Cầu Vàm Cống - Nút thắt giao thông của vùng đất Chín Rồng

26/04/2024

Là ước mơ của người dân Miền Tây, cầu văng dây Vàm Cống nối liền hai bờ Đồng Tháp và Cần Thơ, chính thức được thông xe và đi vào hoạt động từ ngày 19/5/2019. Cầu Vàm Cống là nút thắt đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình của Đồng bằng Sông Cửu Long trong tương lai.

Cầu Vàm Cống - Nút thắt giao thông của vùng đất Chín Rồng - BongTrip.vn

Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp của Việt Nam. Cầu Vàm Cống cách bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông Hậu, và thay thế cụm phà này khi cầu đi vào hoạt động.

Cầu Vàm Cống - Nút thắt giao thông của vùng đất Chín Rồng - BongTrip.vn

Vị trí huyết mạch

Cầu Vàm Cống là một trong hai cây cầu dây văng lớn nằm trên tuyến đường Mỹ An - Rạch Sỏi, thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long và Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Cây cầu kết nối huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Đây là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu và bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông.

Kế hoạch xây dựng

Trước năm 2010, giao thông hai bên bờ sông Hậu phải phụ thuộc vào những bến đò, bến phà để qua sông, tiêu biểu là phà Vàm Cống. Khi khánh thành vào năm 2010, cầu Cần Thơ trở thành cây cầu đầu tiên vượt sông Hậu, nối kết thành phố Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long nói riêng, đồng thời mở ra cơ hội giao thông và phát triển các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung. Tuy nhiên, trên sông Hậu vẫn còn nhiều bến phà, bến đò lớn đang hoạt động, trong đó có bến phà Vàm Cống đã hoạt động từ năm 1925, và ngày nay thường xuyên quá tải khi nhu cầu qua lại hai bên bờ sông ngày càng lớn.

Năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đề xuất kế hoạch phát triển giao thông đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có xây dựng cầu Vàm Cống nằm trên tuyến đường Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, và được Chính phủ phê duyệt.

Theo thiết kế ban đầu, cầu Vàm Cống sẽ có tổng chiều dài 2,97 km, trong đó phần cầu vượt sông có thiết kế dây văng dài 870 m và cầu dẫn bằng bê tông dự ứng lực về hai phía Cần Thơ và Đồng Tháp dài 2 km. Quy mô mặt cắt ngang cầu 24,5 m có thiết kế bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ cùng với dải phân cách, dải an toàn, vận tốc thiết kế 80 km/h. Trụ tháp cầu cao 150 m, lớn hơn trụ cầu Cần Thơ và cao nhất cả nước.

Quá trình thi công

Ngày 10 tháng 9 năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng cầu trong buổi lễ khởi công tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2017, cầu Vàm Cống sẽ thay thế hoạt động của bến phà Vàm Cống đã quá tải, đồng thời hình thành hệ thống giao thông đường bộ thông suốt giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, do xảy ra sự cố nứt dầm thép vào cuối năm 2017 nên việc thông xe phải dời lại đến ngày 19 tháng 5 năm 2019.

Thông tin kỹ thuật

Cầu Vàm Cống dài tổng cộng 2,97 km, phần bắc qua sông dài 870 m trong đó nhịp chính gồm 73 đốt dầm bằng thép có tổng chiều dài 450 m, dài nhất trong số các cầu có nhịp thép ở miền Nam. Cầu dẫn phía Đồng Tháp có kết cấu dầm super-T bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài 1.099,7 m; cầu dẫn phía Cần Thơ có kết cấu dầm super-T bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài 999,7 m. Mặt cắt ngang cầu chính và cầu dẫn có quy mô 24,5 m gồm: bốn làn xe cơ giới rộng 14 m, hai làn xe thô sơ rộng 6 m, dải phân cách rộng 1,5 m, lan can rộng 1 m và dải an toàn rộng 2 m.

Cầu Vàm Cống - Nút thắt giao thông của vùng đất Chín Rồng - BongTrip.vn

Ý nghĩa quan trọng cho giao thông Cửu Long

Sáng 19/5, cầu Vàm Cống nối TP. Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp chính thức thông xe sau gần 6 năm thi công. Phát biểu tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá cầu Vàm Cống là một mắt xích quan trọng của đường Hồ Chí Minh.

Cầu Vàm Cống - Nút thắt giao thông của vùng đất Chín Rồng - BongTrip.vn

Người dân trong ngày khánh thành cầu mới vào ngày 19 tháng 5, 2019 (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)

Sau khi có thêm cầu Vàm Cống, tỉnh Đồng Tháp không còn là địa phương khuất nẻo nữa và là tiền đề để địa phương phát triển bền vững. Người dân, doanh nghiệp không còn phải lụy phà, tốn thời gian và tiền vé như trước nữa.

Cầu Vàm Cống - Nút thắt giao thông của vùng đất Chín Rồng - BongTrip.vn

Người dân lần đầu chạy trên cây cầu mới vào ngày 19 tháng 5, 2019 (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, cầu Vàm Cống hoàn thành có vai trò đấu nối các tỉnh miền Tây với cả nước, giúp giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A thường xuyên tắc nghẽn vào các dịp lễ, Tết.

Cầu Vàm Cống - Nút thắt giao thông của vùng đất Chín Rồng - BongTrip.vn

"Khi cầu đưa vào sử dụng, người dân ở An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ được hưởng lợi nhiều, các mặt hàng nông sản chủ lực của các tỉnh  thành này sẽ được đưa lên TP. HCM một cách nhanh nhất", ông Thống nói.

Sau khi cầu thông xe, chủ đầu tư tiếp tục triển khai tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài trên 50 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2020. Tuyến đường này, cùng với cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh, sẽ từng bước hình thành trục dọc phía Tây của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - tuyến kết nối giao thương với Đông Nam Bộ.

Phúc Nguyễn (BongTrip.vn tổng hợp)