Rừng tràm Trà Sư - Tuyệt cảnh mùa nước nổi miền Tây
Hàng năm vào mùa nước nổi, rừng tràm Trà Sư An Giang lại bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên tiềm ẩn, thu hút du khách đến chiêm ngưỡng hệ sinh thái phong phú và dồi dào. Nơi đây có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại đồng bằng sông Cửu Long.
An Giang là một tỉnh nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bởi có nhiều điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn với những sản phẩm đặc trưng riêng biệt, trong đó có điểm du lịch rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên). Đây cũng là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng miền Tây.
Đến đây, du khách sẽ được di chuyển bằng xuồng máy, lướt trên mặt bèo, tận hưởng cảnh thiên nhiên hoang sơ bao la, với nhiều loại động, thực vật hoang dã (11 loài thú, 70 loài chim, 22 loài bò sát, 23 loài cá và có đến 140 loài thực vật).
Rừng tràm Trà Sư có diện tích 845 ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Đặc biệt, tham quan rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi, du khách sẽ thích thú hơn khi khu rừng bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên tiềm ẩn. "Những ngày thường, mực nước trung bình nơi đây là 1 m nhưng vào mùa nước nổi này, mực nước lên tới 3 m. Lên xuồng đi vào rừng giống như đi thám hiểm. Hơn nữa, khu du lịch này còn bán các món ăn đặc sản mùa nước nổi rất tươi ngon, khó có nơi nào sánh được", ông Lê Văn Hóa, một người dân tham quan rừng tràm Trà Sư, nói.
Cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 10 km, rừng tràm Trà Sư nằm trong tuyến du lịch liên hoàn: Núi Sam, núi Cấm, đồi Tức Dụp và khu thương mại Cửa khẩu Quốc tế huyện Tịnh Biên nên thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách, nhất là du khách quốc tế.
Cách mua vé tham quan rừng tràm Trà Sư giá rẻ
Nếu đi một mình giá vé của bạn sẽ là 130.000 đ, nhóm càng đông thì giá vé trên đầu người sẽ giảm đi, nhóm 10 người thì giá vé chỉ còn 45.000 đ/ người. Nên nếu bạn đi một mình hoặc ít người có thể đề nghị mua vé chung với vài khách du lịch khác khi đến đây để có thể mua được giá vé rẻ hơn.
Sau khi gửi xe, tôi được hướng dẫn đi vào trong văn phòng để mua vé tham quan bằng xuồng. Một chị kiểm lâm tươi cười đón chúng tôi và thông báo giá vé. Khi đi càng đông thì mức giá tham quan cho mỗi người sẽ rẻ hơn. Tôi đi hai người, mức giá là 75.000 đ/ người, khi thấy có đoàn 3 người khác vào ngay sau tôi, tôi đề nghị mua chung vé để rẻ hơn. 5 người, giá chỉ còn 55.000 đ/ người. Chị bán vé nói với bọn tôi là nếu đi ghép đoàn như vậy, thì phải đợi nhau về chung, nếu nhóm kia ở lại ăn uống thì bạn cũng phải ở lại theo.
Tham quan rừng tràm Trà Sư bằng xuồng
Chặng đầu tiên, khách tham quan sẽ được đưa đi vào trong lòng rừng tràm bằng xuồng máy. Một xuồng như vậy có thể chở tầm 10 khách một lần. Khu vực bên ngoài này thì thưa tràm và ít bèo, nên cũng không có gì đặc sắc lắm. Điểm chính của buổi tham quan là chặng chặng hai.
Ở trạm tiếp theo, khách sẽ được chuyển qua các xuống nhỏ, có người chèo và thuyết minh khi tham quan. Một xuồng nhỏ vậy chở được tầm 3 người. Lúc tôi đi có anh thuyết minh rất dễ thương, cẩn thận nhắc bọn tôi phải chú ý không bám tay vào hai bên xuồng phòng trường hợp xuồng va chạm vào cây cối. Khách phải ngồi vào giữa xuồng để cân bằng.
Tiến vào giữa rừng, lúc này, cả mặt nước được phủ đầy đầy bởi một lớp bèo cám, xanh hết cả cánh rừng. Đây chính là cảnh đẹp mà người tham quan mong đợi khi đến rừng Trà Sư.
Khu vực rừng tràm Trà Sư này rộng khoảng 800 hecta, giống tràm được trồng ở đây là tràm nội (giống từ trong nước) khác với loại trạm ngoại và tràm hoa vàng. Khu rừng thuộc quản lý của đội kiểm lâm và khai thác du lịch từ năm 2005.
Trong rừng ngoài tràm ra thì cũng có các loại động vật khác, trên trời thì là các loại chim cò, vạc,.. Dưới nước thì có các loại cá lóc, cá tra, cá trê, rồi thì rắn rùa lươn,…
Tháp quan sát trong rừng tràm Trà Sư
Chặng cuối của chuyến tham quan, xuồng máy đứa bạn đến bến khác, đi bộ trên một con đường đất và qua một cây cầu nhỏ, hoặc cầu khỉ nếu bạn muốn thử. Bạn sẽ đến khu vực tháp quan sát cao 14 m và các chòi bán đồ ăn, vật lưu niệm.
Trên tháp quan sát này, bạn có thể nhìn thấy núi Sam, núi Cấm, và cụm Bảy núi ở phía xa. Muốn nhìn rõ hơn các núi, đặc biệt là tượng phật Di Lặc khổng lồ trên núi Cấm, cũng như các loại chim thì bạn có thể sử dụng cái ống nhòm lớn được trang ngay tại đây. Giá là 5.000 đ/ người.
Nên tham quan rừng tràm Trà Sư vào khoảng thời gian nào?
Từ tháng 7-10 âm lịch là khoảng thời gian thích hợp để tham quan rừng tràm Trà Sư. Đây là thời gian mùa nước lên, nên mặt nước nơi đây phủ nhiều bèo cám (loại bèo nhỏ li ti phủ xanh mặt nước như các tấm hình trên). Mùa khác thì chủ yếu là bèo lá lớn, mà bèo lá lớn này lại bị dạt sang hai bên bằng lưới để tạo khoảng trống cho xuồng qua lại.
Chắc chắn tham quan rừng tràm Trà Sư sẽ là một trải nghiệm hết sức tuyệt vời đối với những người thích hòa mình với thiên nhiên và những hàng cây xanh rì. Đừng bỏ lỡ cơ hội thăm quan khu rừng nguyên sơ và xanh tốt này khi ghé An Giang nhé!
Tổng hợp từ sangdibui.com và dulich.dantri.com.vn