Wath Sro Loun - Nét kiến trúc độc đáo của văn hóa Kh'mer Nam bộ
Đến với Sóc Trăng, nhắc đến ngôi chùa được trang trí bằng mảnh vỡ chén thì không ai lạ gì chùa Sà Lôn hay còn gọi là chùa Chén Kiểu. Ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer này đã thu hút mọi du khách thập phương chỉ bằng kiến trúc lung linh nhiều màu sắc sặc sỡ.
Chùa Sà Lôn (tiếng Khmer là Wath Sro Loun, hay Wath Chro Luông, tục gọi là chùa Chén Kiểu) là một ngôi chùa cổ thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về hướng Bạc Liêu; nay thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Đây là một ngôi chùa với kiến trúc vô cùng đặc biệt. Ngày 20 tháng 11 năm 2012, ngôi chùa đã được xếphạng là di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh.
Thông tin chùa Chén Kiểu
- Địa chỉ: QL1A Đại Tâm, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
- Thời gian: 7:00 - 18:00 hàng ngày.
- Giá vé: Miễn phí.
Hướng dẫn di chuyển đến chùa Chén Kiểu ở Sóc Trăng
Cách trung tâm thành phố Sóc Trăng 10km và nằm ngay bên đường quốc lộ 1A nên việc di chuyển đến chùa Chén Kiểu khá dễ dàng. Từ điểm xuất phát trung tâm thành phố đường Trần Hưng Đạo (công viên Bạch Đằng), bạn chạy thẳng đường Trần Hưng Đạo đến vòng xoay giao với QL1A thì đi đường QL1A khoảng chừng 3 km là đến.
Ý nghĩa và nguồn gốc tên gọi
Chùa có tên Khmer là "Wath Sro Loun", để dễ phát âm, từ "Sro Loun" được đọc trại thành "Sà Lôn". "Sro Loun" lại có nguồn gốc từ chữ "Chro Luong", là tên của một con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa. Sở dĩ chùa Sà Lôn còn được gọi là "chùa Chén Kiểu" là do dùng những mảnh chén, đĩa sứ ốp lên tường để trang trí.
Lịch sử hình thành chùa Chén Kiểu và ý tưởng độc lạ trong quá trình xây dựng
Trong số tất cả các ngôi chùa thuộc hệ thống chùa Khmer Nam Bộ được xây dựng ở Sóc Trăng, thì chùa Chén kiểu có tuổi đời trẻ nhất. Theo đó, chùa Chén Kiểu được khởi công xây dựng vào năm 1815 tại địa phận xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về hướng Bạc Liêu). Ban đầu xây dựng, chùa dùng các vật liệu lá cây, gỗ, đất, đá là chính. Trong thời kỳ chiến tranh, không may ngôi chánh điện và một số hạng mục khác bị sập do bom đạn tàn phá.
Năm 1969, các sư trong chùa vận động bà con, phật tử đóng góp công sức để xây dựng lại ngôi chùa. Sư cả Tăng Đuch quyết định dựng lại ngôi chùa gồm: Chánh điện, sala, nhà Tăng, nhà để sách kinh, khu tháp, v.v... bằng vật liệu kiên cố. Tuy nhiên, do nhiều thốn nhiều nguyên vật liệu cũng như nhân sự, đến năm 1980 thì hoàn thành.
Điều đáng chú ý trong quá trình xây dựng chùa, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, dĩa từ bà con trong phum, sóc để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng. Cũng từ đó, chùa còn được nhân dân biết đến với tên gọi thứ hai là “Chùa Chén Kiểu”. Ý tưởng trong nghệ thuật này đã vô tình tạo nên vẻ đẹp riêng vô ấn tượng của ngôi chùa. Về sau thì trở thành một điểm nhấn riêng đầy ấn tượng trong mắt khách du lịch.
Phong cách kiến trúc Chùa Chén Kiểu
Đến đây tham quan, đi một vòng quan sát tổng thể. Chùa Chén Kiểu tọa lạc trong một khuôn viên rất rộng với nhiều cây xanh và gồm nhiều hạng mục như cổng tam quan, chính điện, sala, tháp cốt, giảng đường .v.v.
Cụ thể cổng tam quan chùa là một công trình mang đậm phong cách truyền thống Angkor Campuchia. Trên cổng là hình ảnh ba ngọn tháp với điểm nhấn là các hoa văn, phù điêu trang trí bắt mắt. Trong ba ngọn tháp, nổi bật với tháp giữa được sơn màu vàng, bên trong có lồng kính, tôn trí một pho tượng Phật ngồi uy nghi. Trên thành cổng là tên chùa bằng chữ Khmer và chữ Việt (chùa Sà Lôn).
Trước cổng tam quan chùa Chén Kiểu là nơi ngự của hai con sư tử bằng đá trên bệ cao, hướng ra lộ. Trên cổng xây ba ngôi tháp, được trang trí theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Khmer ở Nam Bộ.
Từ cổng tam quan đi thẳng vào trong là khu vực giữa sân với cột cờ chạm khắc hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu. Hình tượng này nhằm nhắc đến điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Đức Phật Thích Ca khi người tọa thiền. Quan trọng hơn, rắn thần Nagar là motif trang trí đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc của Phật giáo Khmer. Bao quanh khu cột cờ này, là các dãy nhà nhằm phục vụ cho việc tu học của các sư sãi.
Có một điều đáng quan tâm trong tín ngưỡng thờ Phật của đồng bào người Khmer tại Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung đều chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Ấn Độ. Chính từ điều này mà Phật giáo Tiểu thừa là tôn giáo chính và họ chỉ thờ Phật Thích Ca, không thờ các vị Quan âm hay Bồ Tát khác. Hơn nữa, người Khmer tin rằng tổ tiên của họ là mẹ rắn, nên có tín ngưỡng thờ rắn và hình tượng rắn thường xuất hiện trong chùa. Và cũng tương tự như những ngôi chùa Khmer khác, tượng các tiên nữ, Krud (hay Garuda), sư tử thần,… cũng được dùng để trang trí tại chùa Sà Lôn.
Điểm nhấn của ngôi chính điện chính là ý tưởng dùng các chén, bát, đĩa để tạo nên các hoa văn đa màu sắc. Bên cạnh đó là sự xen lẫn phong cách Angkor Khmer được thể hiện trên mái chánh điện chùa chùa Sà Lôn theo dạng tam cấp, tức có 3 nếp, nếp dưới cùng lớn nhất và nhỏ dần ở bên trên. Nếp trên cùng có hình tam giác, hai đầu đao mỗi bên cong lên, và nơi trung tâm có đỉnh nhọn cao vút. Mái được trang trí nhiều họa tiết với màu sắc rất đẹp mắt. Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ rất sắc sảo.
Phía trong chánh điện có đặt một bàn thờ, và chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca. Có khoảng 20 tượng phật ở đây; lớn, nhỏ đứng ngồi nhiều tư thế khác nhau, và các gương mặt đều nhìn về hướng Đông để ban phúc. Đặc biệt, bên trong chính điện chùa Chén Kiểu có 16 hàng cột to chống đỡ mái, và đều được dán bằng gạch men.
Trên trần chính điện được trang trí họa tiết nhiều màu sặc sỡ, và hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể về cuộc đời của Phật Thích Ca. Nền dưới thì lát gạch bông, và phần lớn các mảng tường ở đây cũng đều được ốp gạch men (đủ màu, và lớn nhỏ khác nhau) thời hiện đại.
Bên cạnh các hạng mục với lối phong cách kiến trúc bắt mắt, phía sau chùa là Khu vườn Phật Thích Ca giảng đạo và nhập Niết bàn. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết bàn của đức Phật Thích Ca.
Những hiện vật quý tại chùa
Chưa dừng lại ở nét phong cách kiến trúc hấp dẫn, chùa Chén Kiểu còn cuốn hút bởi một phần gia sản của gia đình công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Đó là chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ Trường kỷ cùng 2 chiếc giường ngủ mùa đông và mùa hè, được nhà chùa mua lại vào năm 1947, với giá lúc bấy giờ là trên 2.000 giạ lúa. Số đồ này được xem là những món đồ cổ quý giá, được làm từ loại gỗ tốt, cẩn xà cừ và chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ. Có người đã trả giá khá cao để mua số đồ này nhưng chùa không bán. Ngoài ra, trong chùa hiện cũng đang lưu giữ một bộ điêu khắc gỗ tinh xảo.
Phúc Nguyễn (BongTrip.vn tổng hợp)