Phước Hưng Tự - Ngôi chùa cổ 3 thế kỉ tại Đồng Tháp
Ngôi chùa cổ Phước Hưng tọa lạc tại thành phố Sa Đéc. Chùa được sư trụ trì là Hòa thượng Thích Minh Phước cho khởi công xây dựng vào năm 1838 của thế kỷ 19. Nóc và các bức phù điêu trên mái chùa được cẩn miếng gốm màu rực rỡ khi tiếp xúc ánh nắng, điều này đã tạo nên vẻ đẹp trường tồn ơ nơi cổ tự này.
Phước Hưng Tự (còn gọi là chùa Hương) là một cổ tự, hiện tọa lạc tại số 74/5 đường Hùng Vương, phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.
Nguồn gốc
Chùa do Hòa thượng Thích Minh Phước xây dựng năm Minh Mạng thứ 19 (Mậu Tuất, 1838). Đến năm Thiệu Trị thứ 6 (Bính Ngọ, 1846), vì một biến cố nào đó khiến chùa Minh Hương của người Hoa ở Sa Đéc sáp nhập vào chùa Phước Hưng, nên được gọi tắt là chùa Hương.
Kiến trúc, thờ phụng
Chùa Phước Hưng có lối kiến trúc khá đặc biệt hơn các cổ tự ở miền Nam Việt Nam, đó là kiểu giống ngôi đình làng hơn là ngôi chùa (ảnh bên). Chùa có 8 mái và 2 cấp, được lợp ngói âm dương, gồm:
Chánh điện là một tòa nhà hình chữ nhật (dài 19,50 m x rộng 14 m). Mái lợp ngói âm dương, hai tầng, tạo gợn sóng, các góc cạnh cong vút lên cao. Trên nóc là phù điêu hình long, lân, quy, phụng...được tô đắp bằng miễn chén kiểu, màu sắc sặc sỡ. Các bức hoành phi, liễn đối khắc trên gỗ hoặc trên cột đều sơn son thếp vàng.
Trong chánh điện thờ các tượng:
- Bộ tượng Tây phương Tam Thánh, gồm: A Di Đà, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Đặc biệt, tượng A Di Đà được tạc năm 1838 (tức năm xây dựng chùa), bằng đất sét thếp vàng không nung, nhưng vẫn còn nguyên vẹn cho tới nay.
- Các tượng gỗ: Phật Mẫu Chuẩn Đề, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, Tiêu Diện Đại sĩ, Thiện Hữu (tiền thân Phật Thích Ca), Ác Hữu (tiền thân Đề Bà Đạt Đa), Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam tào, Bắc đẩu.
Bên trong Đông lang là phòng khách để tiếp khách thập phương. Sau Đông lang là Tổ điện gồm 5 gian, đặt bàn thờ chư vị Tổ sư và các vị trụ trì. Những linh vị và di ảnh đều nằm trong chiếc khánh bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ hoa văn sắc sảo. Phía sau bàn thờ Tổ là phòng của Ban quản tự và tăng xá dành cho tăng sinh nội trú tu học. Bên trái Tổ điện là Tây lang để tiếp khách tăng. Ở đây có tủ trưng bày bộ Đại Tạng kinh, kinh Nhật tụng và các loại kinh sách khác. Sau Tây lang là khu Bảo tháp chứa di cốt của chư vị Trụ trì tiền nhiệm.
Từ khi xây dựng cho đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, đáng kể là năm Giáp Dần (1854), Hòa thượng Thích Minh Phước (trụ trì đời thứ nhất) đã cho tái tạo Tổ điện, Đông lang và Tây lang; năm Nhâm Ngọ (1882), Hòa thượng Thích Quảng Đức (trụ trì đời thứ hai) cho đại trùng tu Chánh điện, và tồn tại cho đến nay. Dù đã phục chế lại các phần hư hao xuống cấp nhiều lần, nhưng chùa vẫn bảo tồn được nét cổ. Hiện chùa là nơi đặt trường cơ bản Phật học của tỉnh.
Hiện vật quý
Trong chùa có một số hiện vật có giá trị như:
- Chiếc mõ gỗ hình song ngư có từ năm Mậu Tý (1888), đặc tính là khi thời tiết nắng nhiều thì tiếng kêu chát, trời mát lại kêu ấm hơn.
- Chiếc mõ gỗ lớn, nặng khoảng 15 kg, đường kính bề ngang 1,4 m, bề dọc 70 cm do cố Hòa thượng Thích Vĩnh Tràng (trụ trì đời thứ 4) ra tận miền Bắc chiêm bái các Thánh tích rồi thỉnh về. Khi đi cũng như lúc về, Sư đều đi bộ (lúc về đội mõ trên đầu), mỗi bước chân niệm một tiếng "A Di Đà Phật".
- Các bản gỗ khắc chữ để in những kinh, luật (gồm kinh Kim Cang, phẩm Phổ Môn trong Diệu pháp liên hoa kinh, kinh Địa Tạng, kinh A Di Đà, Tỳ Ni Nhật Dụng Yếu Lược, Sa Di Luật Giải...) trong thời Hòa thượng Vạn Hiển làm trụ trì (đời thứ 3). Do làm bằng loại gỗ tốt nên các bản gỗ còn nguyên vẹn.
Bên ngoài khuôn viên chùa là khoảng sân rộng được bày trí, dựng các tiểu cảnh thiên nhiên, tạo không gian thoáng đãng thanh bình.Hằng năm cứ vào ngày 19 tháng 7 âm lịch, chùa lại tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ hòa thượng Thích Minh Phước, vị sư trụ trì đầu tiên của chùa. Nếu có dịp du lịch Đồng Tháp, bạn nên ghé đến tham quan, vãn cảnh Chùa Phước Hưng, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về kiến trúc văn hóa, truyền thống nơi đây.
Phúc Nguyễn (BongTrip.vn tổng hợp)