Công viên Tượng đài Long An - Biểu tượng tự hào của thành phố
Tiến vào địa phận Long An, chắc hẳn bạn sẽ bắt gặp một công viên rộng lớn với bức tượng đài sừng sững nằm trung tâm. Đây là bức tượng đài thể hiện ý chí kiên cường trong kháng chiến của người dân Long An và là điểm dừng chân trên hành trình dài du lịch miền Tây.
Đây là một trong những công trình lịch sử văn hóa có quy mô lớn của tỉnh Long An, khái quát về quá trình đấu tranh giành độc lập của quân và dân Long An. Đến nơi đây tìm hiểu và chiêm ngưỡng, du khách không chỉ có cơ hội hiểu thêm về đất và người Long An mà càng hiểu hơn về giá trị lịch sử đấu tranh giành độc lập hòa bình của những thế hệ cha anh.
Công viên Tượng đài tọa lạc tại QL1A, Phường 5, TP. Tân An. Khi bạn di chuyển từ Sài Gòn, khi chạy trên Quốc lộ 1A chắc chắn bạn sẽ thấy công trình khổng lồ này trên hành trình.
Bức tranh lịch sử hào hùng tại Long A
Tỉnh Long An có vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử, bởi đây là vùng đất chuyển tiếp giữa vùng đất cao Đông Nam Bộ và vùng trũng châu thổ sông Cửu Long, nằm áp sát phía Tây và Nam Sài Gòn và giáp với nước bạn Campuchia. Với vị trí chiến lược quan trọng ấy, Long An là nơi chiến sự diễn ra hết sức ác liệt, lâu dài, mà vai trò chính thuộc các thế hệ nhân dân. Qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, lòng yêu nước thiết tha, ý chí quật cường và tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Long An đã kết tinh thành biểu tượng, thành truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Truyền thống này có cội nguồn từ lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc, được vun bồi qua phong trào vũ trang kháng chiến chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX và chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Chợ Lớn - Tân An và phát triển đến đỉnh cao trong kháng chiến chống Mỹ. Tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ hai vào trung tuần tháng 9/1967, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã tuyên dương danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”cho tỉnh Long An. Tám chữ vàng này là niềm tự hào to lớn, trở thành biểu tượng cô đọng trong lòng mỗi người dân Long An cũng như trong toàn dân tộc và đã được điêu khắc gia Phan Gia Hương cụ thể hóa bằng tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, phong trào dân công hỏa tuyến ở Long An phát triển rất mạnh. Lực lượng dân công hỏa tuyến phần nhiều là phụ nữ. Do giặc đánh phá ác liệt, trước yêu cầu khẩn cấp phải vận chuyển thương binh đến nơi chữa trị, dân công hỏa tuyến đã lấy vai mình làm bệ đỡ để làm cầu vận chuyển thương binh. Đây cũng là một minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó của quân và dân Long An, góp phần khẳng định truyền thống trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc của người dân nơi đây.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, vào tháng 3 năm 1976, tỉnh Long An hợp nhất với tỉnh Kiến Tường và lấy tên gọi chung là tỉnh Long An. Trong thời kỳ xây dựng Tổ quốc sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người con ưu tú của Long An giữ vị trí quan trọng cấp cao của Đảng như: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Trương Tấn Sang, đồng chí Trương Hòa Bình...
Từ phần tái hiện lịch sử, khách đã phần nào cảm nhận được tinh thần đoàn kết, gắn bó, vượt mọi khó khăn, thử thách trong cả thời chiến và thời bình là những điều cốt lõi đã giúp Long An chiến thắng, thành công qua các thời kỳ.
Niềm tự hào của người dân Long An
Công viên tượng đài được xây dựng vào năm 2004 trên khu đất rộng 6ha, với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Công viên khánh thành ngày 28/4/2010 nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Công trình có 2 hạng mục chính là tượng đài - công viên và phần trưng bày truyền thống. Phần điêu khắc của tượng đài có nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ; quần thể tượng Trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc; cùng với 8 trụ rồng và 2 tranh hoành tráng: sản xuất – chiến đấu, tranh sen Tháp Mười, phối hợp với hồ phun nước nghệ thuật. Phần trưng bày truyền thống có Phòng trưng bày sự kiện lịch sử và Không gian trưng bày tám chuyên đề Long An Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc.
Tượng người mẹ và chiến sĩ tạo cho người xem ấn tượng bi hùng về một thời đã qua, đồng thời nhắn nhủ với các thế hệ hôm nay và mai sau rằng: sống trong hòa bình, đừng quên những tháng năm gian khổ mà oanh liệt của những người đi trước. Quần thể tượng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được bố cục theo dáng rồng thiêng của truyền thống dân tộc đang vươn mình bay lên sau chiến thắng. Đây là biểu tượng của tinh thần hướng tới tương lai tươi đẹp trên nền tảng quá khứ oai hùng mà nhiều thế hệ nhân dân và chiến sĩ Long An đã tạo ra. Trên thân rồng và đầu rồng khắc ghi hình ảnh của người chiến sĩ giải phóng và người mẹ Việt Nam cùng bay bổng trong chiến thắng khải hoàn, bờm rồng là những khóm lá dừa vươn cao, che chở, ôm ấp cho con người của vùng đất Long An anh hùng. Bệ rồng là con thuyền cách mạng với những lượn sóng thăng trầm mà Đảng là người cầm lái vượt qua bão táp, phong ba đưa nhân dân và chiến sĩ Long An đến bến bờ chiến thắng. Những hình tượng dân và quân được chạm sâu vào đá, ẩn hiện trong những dãy mây trùng điệp, nâng các nhân vật cùng con thuyền cách mạng bay lên trong không gian, hòa quyện giữa quá khứ và hiện tại.
Phối hợp hài hòa với quần thể tượng là hồ nước tạo thành không gian thư giãn cùng với cây cảnh, đá và cỏ. Trong không gian này có hai bức tranh hoành tráng hình cánh cung bằng gốm màu thể hiện những hình tượng về công cuộc dựng nước và giữ nước của nhân dân và chiến sĩ Long An trong quá khứ và hướng tới tương lai, gợi mở cho công chúng suy ngẫm về quê hương Long An đổi mới với một quá khứ oai hùng nhưng cũng nhiều hy sinh gian khổ. Hai bên lối vào tượng đài là 6 trụ biểu hình rồng, tạo vẻ uy nghi cho công trình và gợi nhớ về dòng giống Rồng Tiên của dân tộc Việt Nam. Không gian xung quanh khu vực Tượng đài cũng mang nhiều ý nghĩa lịch sử gần gũi với địa phương Long An với hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đã từng đi vào thơ ca và lịch sử, trong đó có chiến công “Hỏa hồng Nhựt Tảo” của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Dưới chân Tượng đài là Phòng trưng bày sự kiện lịch sử và Không gian trưng bày tám chuyên đề Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Phòng trưng bày sự kiện lịch sử là nơi trưng bày các sưu tập hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học phụ… để nêu bật sự sáng tạo, tinh thần kiên cường dũng cảm của quân và dân Long An. Tuy nhiên, do diện tích có hạn nên phòng trưng bày này vẫn chưa phản ánh hết truyền thống vẻ vang của quân và dân Long An trong kháng chiến chống Mỹ. Vì thế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho chủ trương bổ sung nội dung trưng bày tại tầng hầm của Tượng đài với tên gọi là Không gian trưng bày tám chuyên đề Long An Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc để làm nổi bật truyền thống anh hùng của tỉnh Long An, góp phần giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Không gian trưng bày này gồm 8 chuyên đề là: Nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc; Ba lần đánh đồn Đức Lập (chọn trận Đức Lập 2, ngày 27/10/1965 là trận tiêu biểu); Làng chiến đấu ở Long An; Sản xuất vũ khí tại công binh xưởng; Dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh; Trạm quân y tại căn cứ Đám lá tối trời (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ); Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ; Trận Hiệp Hòa ngày 23/11/1963 trận đánh điển hình của 3 mũi giáp công: chính trị, binh vận, vũ trang.
Trong số các phần trưng bày tái hiện quá trình chiến đấu của quân và dân Long An, có nhiều điểm tương đồng với lịch sử đấu tranh của tỉnh Bến Tre. Điển hình là phần tái hiện hình ảnh nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc với sự che chắn của rừng dừa nước và hình ảnh ban đêm, hay là hình ảnh cứu thương cho bộ đội... Đặc biệt là phần tái hiện sự kiện dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh gây nhiều ấn tượng cho khách tham quan.
Với những nội dung, ý nghĩa lịch sử sâu sắc trên thể hiện qua phần kiến trúc và phần trưng bày, có thể nói rằng Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” đã trở thành một công trình văn hóa tiêu biểu của Long An, là quảng trường để nhân dân, cán bộ, chiến sĩ có dịp họp mặt gặp gỡ, ôn lại lịch sử oanh liệt của tỉnh nhà, khẳng định quyết tâm xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, thực hiện việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là điểm tham quan vui chơi, giải trí, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị của thành phố Tân An văn minh hiện đại trong tương lai.
Phúc Nguyễn (BongTrip.vn tổng hợp)