Chùa Tòng Sơn - Tấp nập Lễ 12/8 viên tịch Đức Phật Thầy

04/12/2024

Hằng năm cứ đến ngày 12/8 âm lịch, người dân khắp nơi đổ xô về chùa Tòng Sơn để tưởng nhớ đến người đã có sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tại miền Tây Nam bộ mà người dân tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An.

Giữa sân chùa có cây bồ đề lâu năm phủ tàng lá xanh tươi lợp bống nắng ra xa, góc trái sân chùa có cây da cổ thụ, tàng lá đông đặc phủ hơn nửa sân rộng. Toàn thân cây Da hình dáng trông rất mạnh, tủa cành đều, lá xanh biếc. Dưới gốc cây da già có tấm bảng đề 3 hàng chữ: ‘Cây Da Di Tích – Bảo Vệ Cây – Tưởng Nhớ Đức Phật”.

Lịch sử và câu chuyện về Đức Phật Thầy Tây An

Ngày 5/8/2014 (12/08 âm lịch), tại chùa Tòng Sơn ở xã Mỹ An Hưng A, (Lấp Vò, Đồng Tháp, Việt Nam) các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và những người dân trong vùng tập trung về đây để tưởng nhớ đến ngày viên tịch của Đức Phật Thầy Tây An. Đức Phật Thầy Tây An tên thật là Đoàn Minh Huyên sinh ngày 14/11/1807 âm lịch và viên tịch ngày 12/08/1856 âm lịch tại núi Sam (An Giang).

Ngài xuất thân từ một gia đình nông dân ở làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang (nay thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Có truyền thuyết cho rằng, ông Đoàn Minh Huyên là một trong những người con của vua Quang Trung, lánh nạn nhà Nguyễn về đây sinh sống. Sau khi xuất gia Đức Phật Thầy lấy pháp danh Minh Huyên - Pháp Tạng (theo bài kệ truyền thừa chi phái Lâm Tế). Ngoài vai trò là người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Ngài còn là một nhà yêu nước trong việc trợ giúp các nghĩa quân kháng thực dân Pháp,  Ngài cũng là nhà dinh điền vì đã có công khai hoang nhiều vùng đất ở miền Tây Nam Bộ và lập nhiều làng xã trên những vùng đất hoang sơ.

Mùa thu năm 1849, Ngài đã sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, với tôn chỉ và phương pháp hành đạo rất đơn giản. Người đến quy y sẽ được Ngài cấp cho một tấm "lòng phái" (mảnh giấy màu vàng có ghi bốn chữ "Bửu Sơn kỳ Hương" màu son), Ngài truyền dạy giáo lý "học Phật - tu Nhơn", tức là noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, thực hành thuyết "Tứ ân", đó là: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào và nhân loại.

Điểm đáng lưu ý nữa, đó là những "trại ruộng" mà Ngài lập ra chỉ là hình thức, thực chất đấy là căn cứ tập hợp nông dân chống lại chính sách cai trị hà khắc của các vị vua nhà Nguyễn. Sau này, khi thực dân Pháp đến xâm lược, thì những nơi ấy trở thành những căn cứ chống ngoại xâm, nhiều tín đồ của Ngài trở thành nghĩa quân (để đền ơn đất nước). Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do Đức Cố Quản Trần Văn Thành (đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An) phát động, là một minh chứng.

Hằng năm cứ đến ngày 12/08 âm lịch, người dân khắp nơi đổ xô về chùa Tòng Sơn để tưởng nhớ đến người đã có công sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tại miền Tây Nam bộ mà người dân tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An.

Phúc Nguyễn (BongTrip.vn tổng hợp)