Chùa Linh Sơn - Chiêm ngưỡng tượng Phật 4 tay độc đáo

18/04/2024

Là một trong những địa điểm gắn liền với văn hóa Óc Eo tại An Giang, Linh Sơn Cổ Tự sẽ cho bạn chiêm ngưỡng nét kiến trúc cổ độc đáo và tượng Phật lộng lẫy mang đậm nét văn minh xưa của những người dân nơi đây.

Chùa Linh Sơn (Linh Sơn Cổ Tự) hay còn gọi là “Chùa Phật 4 tay” là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại huyện Thoại Sơn, nằm ở chân núi Ba Thê thuộc địa phận ấp Trung Sơn (cách tỉnh lộ 943 hướng Núi Sập – Óc Eo rẽ trái khoảng 800 m, nằm ở đoạn giữa của BQL di tích Óc Eo An Giang đến UBND thị trấn Óc Eo), thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Chùa Linh Sơn là nơi lưu giữ “tượng Phật bốn tay” mà nguyên tác là tượng thần Visnu của Bà la môn giáo và hai bia đá có khắc minh văn Sanskrit cổ, nằm trong quần thể cụm kiến trúc Văn hóa đặc biệt cấp Quốc gia Óc Eo – Ba Thê.

Qua nhiều năm khảo sát, thám sát, khai quật và nghiên cứu của L.Malleret -1944; các nhà khảo cổ Việt Nam 1993,1998,2000… thì trong lòng các kiến trúc đổ nát chung quanh chùa Linh Sơn, ngoài gạch đá, người ta đã thu thu thập nhiều di vật thuộc loại đồ dùng thường nhật như: đồ gốm sau Óc Eo, bàn mài, con lăn đá, những chân tảng, tấm đan, bậc thềm, trụ cửa bằng đá… là minh chứng cho những cấu kiện của một kiến trúc lớn, kiên cố. Những bệ thờ Linga – Yoni, một vài pho tượng thần bốn tay (thần Vishnu), tượng Bò thần Nandin, một tấm diềm cửa có hình chín tinh tú… Đáng chú ý nhất là, có một trụ đỡ (cửa) bằng đá, có khắc minh văn mà theo Học giả G.Coedes trường Viễn Đông Bác cổ- Pháp, nơi đây đã dựng một đền thờ bằng gạch, có thể là nơi dựng một tượng Linga, vật tượng trưng cho thần Siva …. Căn cứ vào niên đại các hiện vật của quần thể di tích kiến trúc quanh chùa Linh Sơn và đối chiếu với lịch sử tồn tại và suy vong của vương quốc Phù Nam, các học giả, các nhà khảo cổ đã đưa ra nhận định: Chùa Linh Sơn và khu vực phía Đông núi Ba Thê từng là chốn cung đình của các vị vua cuối thời Phù Nam sau khi kinh đô Angkor Borei bị Chân Lạp xâm chiếm vào thế kỷ thứ VII sau công nguyên.  

Chùa Linh Sơn được xây dựng năm 1912 bởi sư trụ trì là Như Chánh, ban đầu bằng gỗ và lợp lá. Đến năm 1913 khi đem tượng thần bốn tay về đặt ở giữa 2 tấm bia đá (Bia đã có trước ở đó), thì chùa mới xây gạch khá vững chắc và trùng tu nhiều lần để có hình dáng như ngày nay. Chùa thể hiện kiến trúc đặc trưng Nam Bộ, được xây cất nền kiến trúc cổ, cao thoáng mát, có nhiều cây cổ thụ rợp bóng quanh năm

Hiện trong chùa đang lưu giữ 2 loại hình hiện vật khá độc đáo của nền văn hóa Óc Eo là tượng thần Vishnu (người dân thường gọi là tượng phật 4 tay) và 2 bia đá cổ.  Tượng được phát hiện khi người Pháp cho lấy đất đắp làm đường và xây Nhà việc (Hội đồng xã) tháng 7 năm 1912 tại khu vực hiện nay là Nhà Trưng bày văn hóa Óc Eo. Theo các nhà nghiên cứu  xác định thì đây là tượng thần Vishnu 4 tay có cùng niên đại với tượng bà chúa xứ ở Núi Sam đều thuộc văn hóa Óc Eo. Tượng bằng đá sa thạch màu xám đen theo tư thế đứng hoặc nằm, cao (dài) khoảng 3,3 mét, mũ hình trụ tròn, ngực nở đầy đặn… Các nhà khảo cổ nhận định niên đại khoảng thế kỷ thứ V. Sau khi mang về thờ ở Chùa, người dân địa phương đã cải biến một số chi tiết của tượng so với nguyên bản ban đầu như quét bột màu, đắp phần bệ ngồi của tượng và chi tiết các đầu rắn… biến từ tượng Thần (đứng, nằm) sang tượng Phật ngồi để thờ cúng theo phong tục người Việt.

Tượng thần Vishnu (hay còn gọi là Tượng Phật 4 tay)

Ngoài tượng Phật, Chùa còn lưu giữ 02 bia đá cổ (dựng hai bên tượng) có niên đại thế kỷ V. Bia đá phát hiện năm 1879, làm bằng chất liệu đá sa thạch đen, có nhiều vân trên bề mặt, trong đó 1 bia phía bên trái (từ cửa chánh điện nhìn vào)  có chạm khắc chữ cổ Sanskrit (chữ Phạn) Còn bia bên phải không có chạm khắc. Nội dung chưa được các nhà ngôn ngữ học dịch trọn vẹn mà chỉ biết “… Vì Hoàng Hậu, thân mẫu của Kumarambha tuân theo con đường của Đạo Pháp, đã vui mừng cúng (thần) SriVarhamana, vài chục tôi tớ…”

Như vậy, theo các nhà Khảo cổ học thì ngôi Chùa Linh Sơn đang nằm trên của một nền kiến trúc cổ khá rộng lớn. Cụ thể là khi Sư Trụ trì tại vị (Thích Thiện Chí, còn gọi là Bùn Sen) hiện nay, khi đào đất đắp nền chùa đã phát hiện nhiều hiện vật đá có giá trị và gạch hiện hữu mà ta thấy là gạch được lấy lên từ các nền móng kiến trúc của cư dân Óc Eo cổ.

Cho đến nay, chùa Linh Sơn đã trở thành điểm đến ấn tượng không thể thiếu của người dân địa phương và du khách trong và ngoài nước. Tượng thần Vishnu và hai bia ký cũng được Bộ văn hóa công nhận là di tích Quốc gia (theo QĐ số 28-VH/QĐ, ngày 18/01/1988) hiện nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê. Hướng tới, Sở VH,TT&DL tỉnh sẽ làm hồ sơ xếp hạng cho ngôi chùa Linh Sơn cho tương xứng với các hiện vật văn hóa Óc Eo độc đáo đang lưu giữ

Là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của tỉnh An Giang nói riêng cũng như Miền Tây Nam Bộ nói chung, chắc chắn những ai ghé Linh Sơn Ba Thê sẽ không chỉ tìm được nơi chốn an yên, mà còn được biết tới một phần nhỏ của văn hóa Óc Eo phồn thịnh xa xưa.

ditichquoc.angiang.gov.vn

Làng Chài Xưa - Bảo tàng sống động về văn hóa làm...

Với những mô hình và trưng bày vô cùng sống động,...

Văn Thánh Miếu Cao Lãnh - Công trình thúc đẩy Nho...

Văn Thánh Miếu Cao Lãnh từng một công trình nhằm...

Đèo Tà Pứa - Điểm phóng tầm mắt ngắm cảnh vật thơ...

Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những người dân đang...

Làng tre Phú An - Khu bảo tồn tre tự nhiên lớn...

Nằm cách Tp. HCM hơn 35km, Làng tre Phú An không...

Tây An tự - Độc đáo kiến trúc Ấn Độ giữa lòng An...

Từ Châu Đốc vào ngã ba núi Sam thuộc xã Vĩnh Tê,...