Thác Prenn - Dải lụa bồng lai giữa rừng thông nguyên sinh

21/11/2024

Trong khu rừng nguyên sinh dưới chân đèo Prenn, ta có thể nghe thanh âm trong lành róc rách từng nhịp của thác Prenn rót vào tai. Dòng nước từ trên ghềnh đá hơn 20m đổ xuống trắng xóa như một dải lụa trông tựa mái tóc của nàng tiên, tạo nên cảnh sắc hữu tình trước những khách lữ hành.

Chỉ nằm cách trung tâm thành phố 10 km về phía Nam, thác Prenn nằm ngay dưới chân đèo Prenn. Sở hữu một vị trí đắc địa là ở cửa ngõ đi vào thành phố, thác Prenn là địa điểm đón đầu khách du lịch khi ghé thăm Đà Lạt. Vì vậy, thác Prenn đã được khai thác hiệu quả và hiện là một phần của khu du lịch thác Prenn đầy hấp dẫn. Dòng nước từ trên ghềnh đá với độ cao hơn 20 m cao đổ xuống trắng xóa như một dải lụa bạch trông tựa mái tóc của nàng Bạch Mao Tiên cô. Có thể vì thế mà một số du khách gọi là thác Tiên Sa.  

Thác Prenn ở đâu?

 

  • Địa chỉ: Đường cao tốc Liên Khương – Prenn, Phường 3, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng
  • Số điện thoại: 0263 3530 785

Tọa lạc ở vị trí cửa ngõ vào thành phố, đường đi đến thác Prenn khá dễ dàng và thuận tiện cho du khách ghé thăm. Chỉ cần chạy thẳng theo quốc lộ 20, dọc cao tốc Liên Khương, bạn sẽ thấy khu du lịch thác Prenn nằm dưới chân ngọn đồi Prenn hùng vỹ.

Giá vé thác Prenn là 30.000 đồng đối với người lớn, và nửa giá vé đối với trẻ em, tức 15.000 đồng. Chỉ cần chi trả số tiền không lớn, bạn đã được hòa mình cùng thiên nhiên hoang sơ và yên bình nơi đây.

Sức gợi từ cái tên

Theo truyền thuyết mà các già làng kể lại thì thác có tên gọi trên là xuất phát từ tiếng K’Ho đầu tiên có tên gọi Prềnh – có nghĩa là Cà đắng, sau người dân đọc lại thành Prenn. Bằng chứng là ngày nay, ở khu vực thượng nguồn của thác, dọc hai bên bờ suối vẫn còn rất nhiều cây Cà đắng mọc hoang. Loại cà này có trái nhỏ và tròn như cà pháo nhưng vỏ xanh và có điểm nhiều chấm trắng, khi chín có màu vàng. Ngày xưa người dân tộc đem chế biến và ăn có vị đắng rất ngon.

Còn theo các nhà dân tộc học thì tên của thác nước này, lại xuất phát từ tiếng Chăm. Prenn có nghĩa là “vùng lấn chiếm”. Tên gọi này xuất phát từ cuộc chiến tranh khá dai dẳng của các bộ tộc người thiểu số sống trên vùng đất này để chống lại những lần “Tây tiến” của người Chăm ở Panduranga (Ninh Thuận) vào thế kỷ 17, và người dân địa phương lấy tên này đặt tên cho thác nước hùng vĩ quanh năm nước chảy tạo sương trắng bảng lảng cả một vùng và từ đó thác có tên gọi Prenn.

Sức quyến rũ không thể chối từ của ngọn thác

Khác với những dòng thác khác ở Tây Nguyên, thác Prenn mang một màu sắc rất riêng. Nếu Đà Lạt có một Dambri hùng vĩ, một Pongour mạnh mẽ hiên ngang, thì Prenn lại mang một nét duyên ngầm từ sự dịu dàng, cảm giác thanh bình êm đềm đem đến cho du khách. Thác Prenn sở hữu độ cao gần 10m, rộng chừng 20m, nên nơi đây không có một tiếng ào ào thác đổ dứt khoát, mà là âm thanh dịu êm róc rách nhẹ nhàng đổ xuống.

Để vào thác, du khách phải qua một chiếc cầu ngắn bắc ngang dòng suối đã được kè chắn bằng bê tông nhằm tránh bị xói lở. Con đường xuống thác thật đẹp với những bậc đá ôm theo sườn đồi được bố trí một cách hợp lý; Du khách sẽ nhìn thấy một bức màn nước buông mình từ độ cao gần 10m xuống thung lũng nhỏ đã được chỉnh sửa thành vườn hoa mà từ đây có nhiều lối đẹp đưa chân lên các đồi thông thoáng đãng chung quanh.

Nhiều người ví thác Prenn như mái tóc của người thiếu nữ miền sơn cước buông lơi tự nhiên trong ánh nắng mặt trời. Du khách đến thăm thác Prenn ở Đà Lạt có thể chạm tay vào làn tóc mềm mại mà sống động ấy, cảm nhận được sự mát lạnh và hơi ẩm ướt chắc chắn sẽ khiến du khách thích thú. Những giọt nước nhỏ bởi tốc độ dòng chảy mà bắn tung bọt trắng xóa, vương vài khách tham quan, tạo cho bạn một cảm giác sảng khoái, mát mẻ như đang lạc vào xứ sở thần tiên.

Khung cảnh thiên nhiên là sự kết hợp khéo léo của tiếng thác đổ chậm nhẹ, tiếng chim hót líu lo, tiếng gió thổi lay nhẹ cành lá tán thông khiến người ta có được một cảm giác sảng khoái và an yên nhất có thể.  Du khách có thể tự do men theo các con đường mòn, các con đường có bậc đá để đến thăm vườn thú, vườn hoa lan hay vườn thông thoáng đãng.

Thác Prenn có gì chơi?

Nếu đơn giản nghĩ đấy chỉ là một con thác để nhìn ngắm thì bạn đã nhầm. Đến với thác Prenn, bạn còn được nhiều hơn thế. Trong thời gian khai thác, mở cửa chào đón khách du lịch trong và ngoài nước thì thác Prenn đã được triển khai phát triển nhiều loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách như bơi thuyền thể thao trên suối Prenn, đi cầu mây treo qua suối, và đặc biệt là đi cáp treo tự hàn xuyên thác. Du khách không chỉ được tận hưởng phong cảnh, mà còn có thể trải nghiệm các trò chơi truyền thống của dân tộc nơi đây. Bên cạnh đó là những dịch vụ như cưỡi voi lội suối; cưỡi lạc đà, cưỡi ngựa, đà điểu và dịch vụ hóa trang dân tộc.

Trong hành trình đi bộ đến thác, du khách có thể tiện chân ghé vào vườn đá Thái Dương để check-in chụp ảnh cùng những tác phẩm nghệ thuật trên đá. Thu hút du khách không kém gì những điểm vui chơi trên chính là đền thờ Âu Lạc, được xây dựng bằng bê tông từ năm 2003. Tượng của Âu Cơ và Lạc Long Quân được dựng tạc ngay trước đền. Khi theo các bậc thang lên đền, bạn sẽ bắt gặp ngay chính diện các bức tượng này. Ở đây còn có hình biểu tượng 100 quả trứng là 100 hòn đá cuội được vận chuyển công phu từ Ninh Thuận.

Thác Prenn đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận và cấp bằng di tích lịch sử văn hoá quốc gia vào năm 2000. Nếu có dịp du lịch Đà Lạt mộng mơ, đừng quên dừng chân ở thác Prenn ngay cửa ngõ của Đà Lạt để cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ nhưng cũng rất đỗi thơ mộng, dịu dàng này.

Phúc Nguyễn (BongTrip.vn tổng hợp)

Chợ Tịnh Biên - Thưởng thức đặc sản "độc lạ" nơi...

Là nơi giáp ranh Campuchia, chợ Tịnh Biên là khu...

Tháp Po Sah Inư - Dấu tích huy hoàng của vương...

Tháp Po Sah Inư là một quần thể kiến trúc có giá...

INThePines Dalat - Homestay ấm cúng kiểu Châu Âu

Đà Lạt là cái nơi đi lên đi xuống cả ngàn lần mà...

Resort Sang Như Ngọc - Địa điểm nghỉ dưỡng dưới...

Sang Như Ngọc, đúng với tên gọi, là một resort...

Tu viện Phước Hải - Nổi tiếng với món bún riêu...

Tu viện Phước Hải ngoài là nơi hành hương được...