Buôl Pres Phek - Linh thiêng truyền thuyết Giếng Tiên
Chùa Bốn Mặt còn có tên gọi là chùa NeRei, Ba Rai hay Buôl Pres Phek, tọa lạc tại ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cách trung tâm tỉnh Sóc Trăng chừng 7 km. Chùa được người Kh’mer xây dựng vào năm 1537 trên diện tích 6,5 ha.
Khi nhắc đến ngôi chùa này, người ta thường nghĩ đến truyền thuyết về một tượng Phật có bốn mặt quay về bốn hướng, mỗi hướng có 5 vị Phật được đồng bào Khmer tìm thấy trong quá trình khai phá đất hoang. Cho đây là điềm lành nên người dân xây dựng chùa, rước tượng Phật vào thờ năm 1537.
Đa số chùa ở Sóc Trăng là những ngôi chùa của người Khmer và Chùa Bốn Mặt là một trong số đó. Chùa không chỉ nổi tiếng về lối kiến trúc đẹp và những câu chuyện linh thiêng kỳ bí, mà còn mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của người Kh;mer, thu hút nhiều người hành hương cũng như những khách du lịch thích đi phượt đơn lẻ đến Sóc Trăng.
Chùa Bốn Mặt có lịch sử gần 500 năm, dù đã trải qua ba lần trùng tu và được sơn màu vàng rực rỡ sang trọng, nhưng ngôi chùa này vẫn giữ được lối kiến trúc nguyên thủy của thời xưa từ lúc ban đầu xây dựng cho đến ngày nay. Chùa tôn thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni theo hệ Nam Tông giống như nhiều ngôi chùa của người Khmer khác ở Sóc Trăng. Mỗi năm chùa thường tổ chức nhiều lễ hội từ nhỏ đến lớn, trong đó lễ hội lớn nhất, thu hút nhiều tín đồ đến tham dự nhất là Tết Chôl Chnăm Thmây và lễ Sene Đôn Ta. Trong thời kỳ kháng chiến, chùa cũng nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, tạo cơ sở bí mật. Giờ đây, chùa là nơi dạy chữ Khmer cho hơn 100 học sinh vào mỗi dịp hè và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Khmer trong những ngày lễ, hội.
Kiến trúc rực rỡ của ngôi chùa Nam Tông
Qua khỏi cổng chùa, về phía bên phải là ao sen khá rộng, trước đây ao này thường cung cấp nước sinh hoạt cho sư sãi và bà con quanh chùa, hiện nay được các tay chèo ghe Ngo tận dụng làm nơi tập luyện. Bên cạnh là các ngôi tháp dùng để cất giữ tro cốt của các tín đồ trong chùa. Nổi bật trong quần thể kiến trúc ấy là ngôi chánh điện vừa được tu bổ trông rất uy nghi, rực rỡ với nước sơn màu vàng chanh. Trên bệ thờ bên trong chánh điện có nhiều tượng Phật lớn nhỏ được sắp đặt từ thấp đến cao, đặc biệt là pho tượng cổ bằng đồng có nhiều tầng với chiều cao trên một mét, mỗi tầng có một vị phật đứng ở bốn phía. Theo thượng tọa Thạch Bonl - Trụ trì chùa: “Đây là tượng Phật Nổi do bà con đào được trong lúc khai phá đất trồng trọt đem hiến chùa, từ đó chùa có tên gọi là chùa Bốn Mặt”.
Cây đèn cầy cao 1,5 m
Mái chùa được xây theo dạng tam cấp, lớp ngoài cùng lớn nhất rồi đến lớp giữa và lớp trong cùng nhỏ dần và nhô lên cao, trung tâm là đỉnh mái có gắn tháp nhọn, ở viền mái và góc cạnh được trang trí điêu khắc theo mô típ của loài cá poonco mô phỏng hình tượng rồng. Bên dưới mái chùa là những hình tượng tiên nữ Keynor mình chim có gương mặt phúc hậu được điêu khắc công phu. Tượng các chim thần Krud với mình người có đầu, chân và hai cánh của chim, miệng ngậm hồng ngọc, đứng bên dưới vị trí tiếp giáp của mái và các trụ cột, biểu trưng cho sức mạnh giơ tay nâng đỡ mái chùa. Tuy nhiên điểm nổi bật nhất của chùa lại chính là tháp với tượng 4 mặt của Maha Prum, người được xem là đấng tạo ra thế gian (theo quan niệm của đạo Bà la môn giáo) nằm trên đỉnh của chùa.
Truyền thuyết Giếng Tiên
Chúng tôi đi về phía sau ngôi chùa và được nghe kể về truyền thuyết Giếng Tiên. Lời kể rằng: “Trong dân gian tương truyền ngày xưa dân chúng cơ cực, không có nước ngọt sinh sống, đất đai thì khô cằn, cuộc sống của người dân rất khó khăn, nhân dân ngày đêm cầu nguyện, khấn vái sự giúp đỡ của trời, đất. Rồi lời than vãn thấu tai Ngọc Hoàng, người bèn cho 2 nhóm Tiên Ông và Tiên Bà hạ phàm tại vùng đất này đào giếng nước ngọt để cứu dân chúng nơi đây. Cũng do các Tiên Bà đào giếng tích cực, các Tiên Ông thì lo mải mê ngắm Tiên Bà nên chậm trễ thời gian, kết quả Giếng Tiên Ông tuy to nhưng cạn hơn, còn Giếng Tiên Bà nhỏ hơn nhưng sâu và nhiều nước ngọt hơn. Từ đó về sau người dân nơi đây vẫn dùng nguồn nước ngọt này sinh sống và tưới tiêu cho hoa màu”.
Trải qua hàng trăm năm, giờ đây Giếng Tiên chỉ còn dấu vết là một khoảnh đất thấp trũng với hàng ngàn mét vuông, sâu hơn mặt ruộng một ít. Được biết, huyện Châu Thành đã có đề án khôi phục Giếng Tiên để khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch tâm linh tín ngưỡng và sinh thái, làng nghề.
Điểm đến văn hóa tâm linh đặc sắc
Chùa Bốn Mặt được đánh giá là địa điểm văn hóa điển hình của địa phương với các thiết kế tiêu biểu như: phòng đọc sách, phòng trưng bày hiện vật, nhóm nhạc ngũ âm, đội ca múa nhạc và câu lạc bộ ghe Ngo với hàng trăm thành viên tham gia. Cứ đến ngày rằm hàng tháng, nhà chùa tạo điều kiện cho tổ chức sinh hoạt văn hóa với các chương trình văn nghệ hấp dẫn. Chùa Bốn Mặt có hàng trăm cây hồng nhung và nhiều loại cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm được trồng khắp sân chùa tạo nên không gian xanh mát cho chùa.
Chùa Bốn Mặt xứng đáng là một cơ sở thờ tự tiêu biểu, được Trung ương và địa phương trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích đóng góp trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa địa phương. Nếu có dịp đến Sóc Trăng thì đây là ngôi chùa mà bạn không thể bỏ qua, đặc biệt là vào dịp Tết nguyên đán.
Theo thời gian, chùa Bốn Mặt được trùng tu và xây dựng thêm một số công trình, hạng mục mới, đặc biệt nhất là ao Mách Cha Linh được xây dựng trong năm 2016 với tổng số tiền trên 2,4 tỉ đồng. Ông Trần Song, thành viên Ban Quản Trị chùa, ao Mách Cha Linh nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni cho biết: Giữa ao là một tháp cao hơn 20m có tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên con rắn 7 đầu, xung quanh ao có hoa văn của bức tượng bốn mặt quay về 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Bên cạnh đó, có tượng 12 con vật tượng trưng con giáp của dân tộc Khmer; trong đó, có 10 con giống của dân tộc Kinh, riêng con mèo, con trâu của người Kinh được thay bằng con thỏ, con bò của người Kh’mer. Ao Mách Cha Linh là một trong những biểu tượng của Phật giáo Nam tông, vừa có giá trị về tâm linh, vừa tạo nét độc đáo riêng cho chùa Bốn Mặt.
Thông tin tham quan Chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng)
- Địa chỉ: Chợ Cũ, xã Phú Tân, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
- Thời gian: 7:30 – 18:00 hàng ngày.
- Giá vé: miễn phí
Hướng dẫn di chuyển đến Chùa Bốn Mặt
Với khoảng cách hơn 6 km xuất phát từ trung tâm thành phố Sóc Trăng (Công viên Bạch Đằng, đường Lê Hồng Phong) – đi thẳng đến ngã ba giao nhau đường Phan Chu Trinh (qua vòng xoay đường Lê Hồng Phong) – rẽ trái đường Phan Chu Trinh (qua đình thần Mỹ Xuyên) – đến ngã ba đường Chợ Cũ là đến chùa.
Phúc Nguyễn (BongTrip.vn tổng hợp)
Hồ Soài So - Bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp vùng...
Tuy là một hồ nước nhân tạo, hồ Soài So vẫn sở...
Thiên Hậu Miếu Sa Đéc - Ngôi chùa người Hoa linh...
Chùa Bà Thiên Hậu ở Sa Đéc có tên đầy đủ là Thất...
Cầu Mỹ Thuận - Cây cầu dây văng đầu tiên của Việt...
Bên cạnh việc đây là cầu dây văng và bắc qua sông...
Vườn nho Thái An - Quả mọng của vùng đất cát...
Khác với vườn nho Ba Mọi trồng giống nho xanh,...
Nhà cổ Bình Thủy - Tòa biệt thự đẹp nhất xứ Tây...
Cần Thơ có hơn 70 ngôi nhà cổ mang nhiều giá trị...