Đền thờ ông bà chủ chợ Cao Lãnh - Hai vị Thành Hoàng linh thiêng

03/12/2024

Tại thành phố Cao Lãnh Đồng Tháp, khi nhắc đến ông, bà chủ chợ Cao Lãnh ai ai cũng sẽ nhớ ngay đến ông, bà Đỗ Công Tường, hai vị thành hoàng linh thiêng có công lớn với người dân nơi đây. Cứ hằng năm vào ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng 6 âm lịch, lễ giỗ lớn tưởng nhớ hai ông bà được tổ chức tại đền thờ trang trọng, khiến cả thành phố Cao Lãnh nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (hay đền thờ ông, bà chủ chợ Cao Lãnh) nằm trên đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cao Lãnh. Hàng năm, nhân dân thành phố long trọng tổ chức ngày giỗ linh đình cho hai ông bà thiêng có công với vùng đất này.

Cuộc đời của ông, bà Đỗ Công Tường

Đỗ Công Tường (? - 1820) tục danh là Lãnh, là người có công lập chợ và có công cứu giúp dân lúc bệnh tả hoành hành đầu thế kỷ 19. Sau khi mất, ông được người dân lập đền thờ, được vua nhà Nguyễn phong là Thành hoàng, và tên ông từ lâu cũng đã trở thành địa danh, đó là Cao Lãnh, hiện trực thuộc tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam.

Không rõ quê quán Đỗ Công Tường ở đâu, chỉ biết ông và vợ từ miền Trung vào lập nghiệp tại làng Mỹ Trà (thời Minh Mạng làng này thuộc huyện Kiến Phong, phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường; nay thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vào khoảng năm Đinh Sửu (1817), dưới triều vua Gia Long.

Sau mấy năm chăm chỉ khai hoang và ươm trồng, gia cư ông dần khấm khá nhờ có nguồn thu từ vườn quýt. Vườn quýt của ông bà rộng, mát mẻ, lại ở nơi thuận cả đường sông và đường bộ nên người dân xa gần thường tụ tập đến đây để đổi chác, mua bán. Thấy vậy, ông bỏ tiền ra dựng lên những lều quán bằng cây lá, để có chỗ cho người mua bán tránh mưa nắng. Lần hồi các hiệu buôn bên chợ Hòa Thành (tức Hòa An bây giờ) cũng dời qua, làm cho nơi đây ngày càng thêm tấp nập, và cái tên chợ Vườn Quýt có từ khi ấy.

Và cũng vì hay giúp đỡ người nghèo, cộng thêm tính tình cương trực, nên ông được dân làng cảm phục, cử làm chức Câu đương, để lo việc phân xử những việc kiện cáo nhỏ tại địa phương. Năm Canh Thìn (1820), nạn dịch tả bỗng dưng hoành hành rất dữ. Dân chúng trong vùng bị bệnh chết rất nhiều, đâu đâu cũng vắng vẻ, ảm đạm, và tiếng mõ kêu cứu cứ một lát lại thúc lên từng hồi.

Động lòng trắc ẩn, một mặt ông bà Đỗ Công Tường tìm thuốc hay thầy giỏi về chạy chữa, một mặt ông bà ăn chay lập bàn cầu nguyện xin được chết thay cho dân, vì lúc bấy giờ không ít người có quan niệm rằng bệnh tật này là do trời đất, thần thánh quở phạt. Cầu nguyện và chay lạt từ ngày mùng 6 đến mùng 9, thì bà lâm bệnh dịch và qua đời khoảng 10 giờ đêm hôm đó. Đang lo việc tẩm liệm cho vợ, thì ông cũng tắt thở lúc 3 giờ rạng sáng hôm sau, tức ngày mùng 10, vì căn bệnh vừa kể.

Tương truyền, chôn cất ông bà xong thì bệnh dịch liền nhanh chóng chấm dứt, cuộc sống dân lành lần hồi trở lại như xưa.

Xây dựng đền thờ tưởng nhớ công ơn

Thương ông bà Đỗ Công Tường không con, không có ai thờ phụng, và cũng vì tưởng nhớ công ơn của người đã khuất, người dân lập đã tự nguyện góp công góp của dựng lên một đền thờ kề bên hai ngôi mộ của ông bà, và lấy ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng 6 (âm lịch) hàng năm làm ngày lễ giỗ.

Kể từ khi thành lập (1820), trải qua nhiều lần tôn tạo và trùng tu, ngôi đền đơn sơ xưa nay đã là một công trình cổ kính, trang nghiêm và đẹp đẽ, hiện tọa lạc trên đường Lê Lợi thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh. Ngày 20 tháng 4 năm 2001, đền thờ được công nhận là Di tích cấp tỉnh, thành phố. Năm 2012, ngôi đền đang được trùng tu.

Tương truyền, ông bà Đỗ Công Tường thường tỏ ra linh ứng, nên lúc nào trong đền cũng có người đến cầu xin ông bà ban cho những điều tốt lành. Và để tỏ lòng tôn kính, người ta không gọi tên thật nữa mà chỉ gọi là ông bà ông bà Đỗ Công Tường là Ông Chủ Bà Chủ chợ Cao Lãnh, hay gọi ngắn là Ông Bà Chủ Chợ

Kể từ năm 2009, theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh, lễ giỗ thường niên của ông bà Đỗ Công Tường, chính thức trở thành thành lễ hội văn hóa - lịch sử cấp thành phố, với nhiều hoạt động vui chơi như: ca nhạc, đờn ca tài tử, múa lân, biểu diễn thể dục dưỡng sinh, thi đấu bóng đá, chạy việt dã và các trò chơi dân gian… Đây là một lễ hội mang ý nghĩa nhân văn thể hiện lòng tôn kính, ghi nhớ công đức của ông bà Đỗ Công Tường…

Lễ hội “Ông bà chủ Chợ”

Lễ hội đền thờ ông bà Đỗ Công Tường (hay còn gọi là lễ hội “Ông bà chủ Chợ” là lễ hội truyền thống tiêu biểu nhất tại thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, được tổ chức để tưởng nhớ nhân vật lịch sử đã có công giúp dân khai hoang lập ấp, cứu đói và cùng dân làng chống giặc ngoại xâm…

Đền thờ tổ chức 5 lần lễ lớn trong năm, là rằm tháng Giêng, tháng 7, tháng 10, Tết Nguyên đán, lễ giỗ Ông Bà. Tiêu biểu nhất là lễ giỗ cúng vào mùng 8, 9, 10 tháng 6 âm lịch. Đến năm 2020, người dân Đồng Tháp sẽ đón lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 200.

Trong ngày chánh giỗ, ban tế tự tiến hành nghinh sắc, tức rước sắc vòng qua các đường phố quanh Cao Lãnh. Đầu tiên là người đi loa cho dân chúng biết để mọi người tránh đường. Kế đến theo thứ tự là Lân múa dẫn đường, rồi đến đội kèn, rồi đến cờ Nước, cờ Lệnh, cờ Thần, Trống lệnh, Ban nhạc lễ, rồi đến 12 người lính lệ với trang phục như ngày xưa (đầu đội nón dấu, chân quấn xà cạp, vai vác giáo dài), kế đến là vị Chánh tế. Phần quan trọng thứ nhất là Long Đình (là một cái kiệu, trên có để sắc thần được đựng trong hộp khảm xà cừ), có người cầm tàng lọng che bốn phía cho Long Đình. Theo sau là trên 200 đại diện của các Khu Di tích miếu, đình, chùa, đền thờ, các họ đạo, thánh thất trong và ngoài tỉnh, và các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Ba đội lân được bố trí ở đầu, giữa và cuối đoàn, đi qua nhiều con đường nội ô trong thành phố, thu hút hàng ngàn người dân xem đoàn rước đi qua.

Lễ hội còn gắn với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như đờn ca tài tử, múa lân, thi đấu bóng đá, chạy việt dã và các trò chơi dân gian.

Chính vì những giá trị và tầm quan trọng của lễ hội này, năm 2009, UBND thành phố Cao Lãnh ra quyết định công nhận lễ giỗ thường niên của ông bà Đỗ Công Tường là lễ hội văn hóa - lịch sử cấp thành phố. Hàng năm, lễ hội thu hút hàng chục ngàn người từ các nơi đến cúng viếng, tham quan.

Lễ hội truyền thống đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và giáo dục cho thế hệ trẻ về tấm gương của cha ông, thể hiện lòng tri ân, ngưỡng mộ và tôn kính đối với người có công với quê hương, đất nước. Lễ hội này đã là một nét sinh hoạt tâm linh không thể tách rời khỏi đời sống của người dân thành phố Cao Lãnh nói riêng và người dân các vùng miền khác nói chung.

Phúc Nguyễn (BongTrip.vn tổng hợp)