Di tích chiến thắng La Ngà - Dấu ấn chiến công của mặt trận Nam bộ
Di tích chiến thắng La Ngà là nơi ghi dấu chiến công hiển hách của Chi đội 10 Liên quân 17 và Trung đội Quốc vệ đội huyện Xuân Lộc vào ngày 1/3/1948. Ngồi dưới bóng mát rặng liễu già trong gió xuân, ngước nhìn lên tượng đài chiến thắng La Ngà cao vời vợi, bạn sẽ như chìm vào kí ức những ngày quân dân ta đánh Pháp.
Tượng đài sừng sững giữa Đồng Nai
Cụm di tích chiến thắng La Ngà trải dài hơn 9 km theo đoạn Quốc lộ 20 từ cây số 104 đến 113 qua 3 xã thuộc huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai; Phú Ngọc, Ngọc Định và Phú Hiệp. Đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp đã cho xây dựng Quốc lộ 20, biến tuyến đường này thành đường giao thông chiến lược nối liền Sài Gòn với Đà Lạt, từ Đà Lạt còn có nhiều con đường xuống các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung và nối liền các tỉnh Tây Nguyên với vùng Hạ Lào.
Lịch sử hào hùng của chiến thắng La Ngà
Đoạn đường quốc lộ chạy qua cụm di tích chiến thắng La Ngà ngày xưa chỉ là con đường nhựa khoảng 6 m với nhiều đoạn quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi, có những đoạn dốc cao kéo dài, độ dốc trung bình từ 10 - 150. Phía tây, đường chạy theo những triền núi cao, cách sông Đồng Nai 7 km. Phía đông, đường dốc thoải dần xuống thung lũng, có chỗ là vực sâu.
Khi cuộc tiến công vào căn cứ địa Việt Bắc (Thu Đông 1947) bị thất bại, thực dân Pháp quyết định tập trung lực lượng vào Nam Bộ và liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét với qui mô lớn đánh phá các căn cứ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Biết được vào đầu tháng 3/1948 địch sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng ở thành phố Đà Lạt nhằm bàn kế hoạch đẩy mạnh càn quét bình định vùng Nam Bộ, để đảm bảo an toàn cho cuộc họp này, chúng sẽ đưa một lực lượng lớn quân Pháp hành quân bằng cơ giới theo đường bộ từ Sài Gòn lên Đà Lạt, Bộ Tư lệnh Nam Bộ đã giao nhiệm vụ cho Chi đội 10 (tương đương Trung đoàn) được tăng cường Liên quân 17 và một số phân đội trinh sát, công binh trợ chiến tổ chức tiêu diệt đoàn xe của địch.
Nghiên cứu, trinh sát, tìm hiểu tình hình, Chỉ huy Chi đội quyết định chọn đoạn đường từ La Ngà đến Định Quán làm nơi tổ chức trận địa phục kích từ km 104 (cách đồn La Ngà 3 km về phía Sài Gòn) đến km 113 (cách đồn Định Quán 2 km về phía Đà Lạt. Đây là đoạn đường dài 7 km, chạy quanh co theo các cánh rừng, có địa hình cao hơn mặt đường từ 1 đến 1,5 m, nhiều nơi cao từ 5 - 6 m. Đặc biệt điểm cao 206 có thể khống chế toàn bộ khu vực. Đồng thời đó cũng là một trận địa vừa thuận lợi cho việc phục kích và vận động bất ngờ từ trên caao đánh xuống mặt đường vừa có sông Đồng Nai ở phía tây là hào chắc thiên nhiên đảm bảo cho bộ đội ta rút lui an toàn sau trận đánh.
Lực lượng tại chỗ của địch ở 2 đồn Định Quán và La Ngà luôn tích cực bảo vệ đoạn đường xung yếu này. Ban chỉ huy Chi đội 10 quyết định chia đoạn đường dài này làm 3 khu vực A, B, C và bố trí lực lượng tập kích. Tiểu đoàn Xuân Lộc (thiếu đại đội 5) bố trí ở khu vực A (từ km 111 đến km 113 phía Định Quán) có nhiệm vụ chặn đầu xe thiết giáp và lực lượng hộ tống, mở đường và chặn đánh địch từ Định Quán xuống tiếp viện. Liên quân 17 bố trí ở khu vực B (từ km 108 đến km 111, đoạn giữa La Ngà và Định Quán) có nhiệm vụ diệt đoàn xe vận tải địch di chuyển trong khu vực.
Tiểu đoàn Tân Uyên bố trí ở khu vực C (từ km 105 đến km 108, phía cầu La Ngà) có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng đi phía sau, đồng thời sẵn sang đánh địch từ đồn La Ngà lên ứng cứu. Đại đội 5 (thuộc Tiểu đoàn Xuân Lộc) được giao nhiệm vụ phối hợp với du kích các địa phương Hồ Hải, Trảng Bom, Bàu Cá quấy rối địch từ xa, nhằm làm chậm tốc độ hành quân của chúng sao cho khi đoàn xe đến khu vực trận địa phục kích vào từ 15 đến 16 giờ (theo thông lệ từ 12 -13 giờ), là thời điểm có nhiều sương mù, hạn chế tầm nhìn hoạt động của máy bay địch bằng vô tuyến điện. Ban chỉ huy Chi đội còn phái một phân đội trinh sát phối hợp với lực lượng quân báo Sài Gòn - Gia Định nắm chắc mọi hoạt động của địch ngay từ lúc xuất phát.
Sau khi máy bay trinh sát địch bay dọc trục đường không thấy dấu hiệu khả nghi, đúng 15 giờ ngày 1/3/1948, một đoàn xe hơn 60 chiếc của địch, có xe thiết giáp và một đại đội lính Âu Phi hộ tống tiến vào khu vực phục kích của ta. Đoàn xe lần lượt qua các khu vực C, B. Vừa hành quân, địch vừa dùng hỏa lực trên xe bắn 2 bên đường để trấn an tinh thần hòng nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Đúng 15 giờ 10 phút, tốp xe đi đầu vào đúng chỗ đường ngoặt của khu vực phục kích A, ta cho nổ địa lôi phát lệnh tấn công. Một xe thiết giáp cùng 2 xe chở lính đi đầu bị trúng địa lôi bốc cháy. Viên chỉ huy đoàn xe cùng bộ phận thông tin tan xác ngay tại chỗ.
Ngay sau đó ở khu vực A và B, theo lệnh của chỉ huy, bộ đội ta bắn mãnh liệt vào đội hình xe địch, đồng thời ào ạt xung phong chia cắt, tiêu diệt từng chiếc xe của địch. Bị đánh bất ngờ, quân địch không kịp phản ứng, đội hình rối loạn, hàng chục chiếc xe đâm sầm vào nhau. Quân địch nhảy ra khỏi xe, đa số bị quân ta tiêu diệt, số còn lại tháo chạy vào rừng. Tại khu vực C, sau khi nghe thấy tiếng địa lôi của bộ phận chặn đầu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tân Uyên lập tức cho nổ mìn diệt 3 xe chở quân của địch, đồng thời ra lệnh cho đơn vị xung phong. Một số xe phía sau của địch thấy phía trước bị đánh liền dừng lại ở phía đông cầu La Ngà tổ chức lực lượng lên ứng cứu. Tiểu đoàn Tân Uyên dùng hỏa lực ngăn chặn, đồng thời chia thành nhiều mũi đánh vào hai bên sườn địch, bẻ gãy 2 đợt phản kích của chúng, đảm bảo cho chi đội tiêu diệt đoàn xe địch rồi rút về an toàn.
Gần 1 giờ chiến đấu, bộ đội ta đã phá hủy 59 xe các loại của địch, tiêu diệt tại chỗ 150 tên (có 25 sĩ quan), trong đó có đại tá Patruite (Tổng tham mưu phó đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương) và đại tá Desérigné (Chỉ huy bán lữ đoàn lê dương thứ 13), bắt sống gần 300 tên. Chiến thắng La Ngà là một trận phục kích xuất sắc và là sự cổ vũ lớn đối với sự nghiệp kháng chiến đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức chỉ huy và khả năng đánh vận động chiến của bộ đội chủ lực ta trên chiến trường Nam Bộ. Nó đã gây tiếng vang lớn ở Sài Gòn, ở trong nước và sang cả nước Pháp. Quốc hội Pháp phải chất vấn Chính phủ về trận La Ngà. Viên đại tá Thalès – Chỉ huy trưởng khu vực Đồng Nai thượng bị giáng chức nên đã tự tử.
Theo Đại tá - Tiến sĩ Vũ Tang Bồng - Viện lịch sử quân sự Việt Nam: “Trận La Ngà khiến cả nước Pháp bàng hoàng, bởi trước các luận điệu dối trá của bọn thực dân hiếu chiến, chính giới Pháp tưởng rằng Nam Bộ là một chiến trường đã bình định xong. Hơn 20 năm sau (1971), trong cuốn hồi kí, khi nhắc tới trận La Ngà, tướng Ra – un Xa – lăng, viên tướng có thâm niên nhất của quân đội viễn chinh Pháp trên chiến trường Đông Dương thừa nhận: “Đây là một trận đánh tuyệt diệu cả về tổ chức, chỉ huy và nắm thời cơ nổ súng, là trận đánh “bất hạnh” đối với quân viễn chinh Pháp!”.
Tượng đài tượng trưng hòa bình
Kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, năm 1998 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đã xây dựng tượng đài chiến thắng ngay tại cao điểm 100, nơi diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch; tượng cao 15,5m, đặt trên bục 2,5m trong khuôn viên rộng trên 5ha. Cụm di tích chiến thắng La Ngà được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích, lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 235/VH – QĐ ngày 12/12/1986.
Sườn đồi công viên tượng đài là một vị trí rất đẹp để bạn có thể ngắm nhìn cả thành phố. Phóng tầm mắt ra xa, cảnh cầu La Ngà, những chiếc lồng bè nuôi cá uốn lượn tựa như hình chữ S trên sông, tất cả hiện ra trước mắt bạn. Dưới thềm tam cấp là hình ảnh hân hoan của 2 đội bóng chuyền nam miệt mài tung bóng dưới cái nắng chói chang. Và trong bóng mát của những tán cây quanh tượng đài là hình ảnh nên thơ của các cô cậu học trò. Một cảm giác quê hương thanh bình đến lạ.
Tượng đài chiến thắng La Ngà là một biểu tượng tình cảm thiêng liêng của con em ngày nay tưởng nhớ công lao to lớn của cha ông ngày trước đã tạo nên một chiến công bất tử, một mốc son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Phúc Nguyễn (BongTrip.vn tổng hợp)