Hòn Bà Nha Trang - Cảm nhận cái hoang sơ, kỳ bí của đất trời
Ở Khánh Hòa, “món đặc sản” duy nhất không chỉ có biển và đảo mà còn có một “Đà Lạt của Khánh Hòa” đẹp đến không ngờ. Vùng đất này chính là núi Hòn Bà Nha Trang – một chốn thần tiên có hồ nước xanh ngát, có dòng suối uốn lượn, khu rừng nguyên sinh hoang sơ trong một bầu không khí trong lành, mát lạnh.
Núi Hòn Bà Nha Trang cao 1.578 m so với mặt nước biển, nằm giữa hai xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh và xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Độ cao và thời tiết ẩm quanh năm đã kiến tạo nên một “Đà Lạt của Khánh Hòa” mát mẻ với thiên nhiên hùng vĩ khiến mọi lữ khách đã đến rồi đều phải mang lòng yêu mến.
Thời gian đẹp để khám phá Hòn Bà
Hòn Bà luôn đẹp quanh năm, thời tiết tương đối mát mẻ, dễ chịu vào mọi thời điểm. Tuy nhiên, Hòn Bà được tính có trung bình 252 ngày mưa trong một năm nên bạn hãy luôn chuẩn bị sẵn tinh thần phải đối mặt với mưa gió trong chuyến đi. Để chắc ăn hơn, bạn nên tránh đi vào mùa mưa. Ở Khánh Hòa mùa mưa diễn ra vào khoảng tháng 10 đến tháng 11.
Vào mùa mưa, đá trơn trợt hơn nên đường lên đỉnh Hòn Bà cũng sẽ khó nhằn lên gấp bội. Nếu chẳng may bạn gặp phải trường hợp này, các “phượt thủ” không nên tiếp tục lên đỉnh mà nên dừng chân ở khu du lịch Suối Nguồn, cách Hòn Bà khoảng 19 km, và đợi xem tình hình thời tiết ngày hôm sau có thuận lợi để tiếp tục khám phá phần còn lại của Hòn Bà.
Đường lên Hòn Bà
Cung đường chinh phục đỉnh Hòn Bà có đôi khi mới là thử thách mà các phượt thủ muốn trải nghiệm chứ không phải là bản thân Hòn Bà. Với chiều cao gần 1600 m, cung đường từ chân lên đỉnh khá dốc, nhỏ và hẹp, nhiều khúc cua ngoằn ngoèo, nguy hiểm, chưa kể vào mùa mưa, sương mù và làn mưa còn gây cản trở tầm nhìn của người lái. Chính vì thế, nên để những bạn vững tay lái, có kinh nghiệm đi đường đèo cầm lái.
Hòn Bà cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 60 km về phía Tây Nam, mất hơn 2 giờ chạy xe nên bạn có thể đi và về ngay trong ngày, nhưng cắm trại qua đêm trên sườn núi cũng là một trải nghiệm bạn nên thử. Để đến Hòn Bà, từ Quốc lộ 1A, bạn rẽ vào đường đi xã Suối Cát, huyện Cam Lâm. Đi khoảng 1km, khi bạn gặp cột cây số đầu tiên báo đường đến Hòn Bà là 37 km thì tiếp tục đi thẳng.
Tuy nghe có vẻ nguy hiểm là thế, khi đến nơi, bạn nhất định sẽ thấy mọi nỗ lực đều xứng đáng. Trên đường đi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên to lớn, hùng vĩ của rừng nguyên sinh với những đám sương mù “bám” vào các thân cây sừng sững trên triền dốc hai bên đường đi. Càng lên cao, khí hậu càng mát mẻ, cảnh vật hoang sơ với tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách ngày một rõ ràng hơn như đang mời gọi người lữ khách hãy nhanh chân vượt khó khăn để đến với Hòn Bà Nha Trang.
Trên suốt đoạn đường chinh phục Hòn Bà sẽ không có cây xăng nào, dù trên đường lên đỉnh núi sẽ có chỗ dừng chân nhưng sẽ không có dịch vụ đổ xăng nên bạn cần chuẩn bị sẵn đủ xăng để chạy hơn 100 km cả đi lẫn về.
Ở Hòn Bà Nha Trang có gì?
Hồ Suối Dầu
Hồ Suối Dầu nằm ngay chân núi Hòn Bà, thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, là một điểm nhất định bạn phải ghé qua khi đến với Hòn Bà Nha Trang. Hồ Suối Dầu thật ra là một hồ nước nhân tạo được xây nên nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của người dân quanh vùng, hay còn được gọi là Khu công nghiệp Hồ Suối Dầu.
Hồ khá rộng và có màu xanh ngát tuyệt đẹp, một địa điểm không tồi check-in để bắt đầu chuyến hành trình. Chỉ nên chụp ảnh check-in thôi, không nên tắm do nước hồ khá sâu và khi tiếp tục theo đường lên đỉnh khoảng 16 km nữa, bạn sẽ gặp thác Suối Nguồn, tha hồ “tắm rửa” ở đây luôn nhé.
Thác Suối Nguồn
Thác Suối Nguồn là ngọn thác dọc đường lên Hòn Bà, khu vực đầu nguồn suối Đá Yang, cách đỉnh Hòn Bà khoảng 19 km. Hiện tại khu vực này đang được gọi là khu du lịch Suối Nguồn, giá vé vào cổng tham khảo 10.000 VND/ người. Tuy gọi là khu du lịch nhưng thật ra không có công trình nhiều, chỉ có một vài lán, chòi để nghỉ ngơi được xây gần thác và dịch vụ ăn uống đơn giản, còn lại vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ của thác.
Khu vực thác khá lớn, đẹp hút hồn với những tảng đá lớn nằm rải rác, dòng nước xanh ngát, mát lạnh kết hợp với nhiệt độ trong lành vốn có của Hòn Bà Nha Trang, bạn nhất định sẽ cảm thấy như đang ở Đà Lạt thứ thiệt vậy. Ở một số khu vực, dòng nước phình to tạo nên hồ nước rộng cùng các tảng đá to quanh thác tạo thành một nơi sưởi nắng, nghỉ ngơi, cắm trại hoặc nướng đồ ăn vô cùng lý tưởng. Cũng có những đoạn nước chảy qua ghềnh tạo thác trắng xóa.
Nếu bạn có ý định cắm trại qua đêm ở thác Suối Nguồn thì bạn cần phải mang theo đồ ấm do nhiệt độ về đêm có thể xuống dưới 10 độ C. Do là nơi rừng thiêng nước độc, bạn nên cẩn thận trong việc sử dụng lửa để đề phòng hỏa hoạn, cháy rừng.
Nhà bác sĩ Alexandre Yersin
Vị bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin được xem là người đã phát hiện ra được Hòn Bà vào năm 1913 khi ông “dọn” nhà lên đây ở. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông phát hiện thời tiết ở Hòn Bà rất thích hợp để trồng cây canh ki na, là nguyên liệu chính bào chế ra thuốc ký ninh trị bệnh sốt rét cho dân ta lúc bấy giờ, chính vì thế, ông đã xây dựng một ngôi nhà gỗ lớn để sinh sống và làm việc cũng như chăm sóc vườn thuốc của ông tại đây.
Hiện nay, ngôi nhà và vườn thuốc của bác sĩ đã được phục dựng trên đỉnh núi, trở thành một điểm thu hút khá đông khách du lịch và cũng là nơi check-in yêu thích của các bạn trẻ khi đến đây.
Rừng nguyên sinh
Hòn Bà Nha Trang nằm ở vị trí cao, khí hậu mát mẻ quanh năm có mưa thường xuyên nên thực vật nơi đây phát triển vô cùng phong phú. Vẻ đẹp nguyên sinh của khu rừng bảo tồn nơi đây cũng là một trong những lý do mà các “phượt thủ” thường nhất định phải chinh phục đỉnh Hòn Bà cho bằng được. Khi trekking qua khu rừng, ngoài chiêm ngưỡng sự hùng vĩ và đa dạng của thực vật, bạn còn được nghe bản nhạc của rừng già với tiếng lá xào xạc qua từng làn gió, tiếng chim muông cất lên tiếng hót, tiếng động vật trong môi trường sống tự nhiên.
Nhiều người đến với Hòn Bà để được cảm nhận trọn vẹn cái hoang sơ, cái kỳ bí và mê hoặc của đất trời cũng như được có cơ hội gần gũi với mẹ thiên nhiên vĩ đại. Cũng có người để thỏa cái thú nhiếp ảnh vì rừng già luôn là một “người mẫu” quyến rũ, biến hóa khôn lường nhưng cũng tĩnh lặng và kiên trì tồn tại cùng thời gian.
Và điều đặc biệt nhất ở Hòn Bà Nha Trang là gì? Đó chính là Hòn Bà vào khoảng thời gian nào trong ngày cũng đều rất đẹp. Một Hòn Bà ướt đẫm sương, ngọt ngào và lả lơi vào buổi sớm mai, khi sương vẫn còn vương trên đỉnh núi, khi đốm lửa của những tia nắng đầu tiên đang nhảy nhót trên tán lá, trên sườn núi và kết tinh thành hạt kim cương lấp lánh trên mặt nước suối là lúc đẹp nhất chăng? Hay khi chiều buông, lúc ông mặt trời phải về nhà và “nấu cơm”, những tia nắng vàng đang già đi và phải nói lời tạm biệt đầy lưu luyến với thiên nhiên Hòn Bà mới là lúc đẹp nhất?
Trong mỗi góc nhìn khác nhau, Hòn Bà lại có một vẻ đẹp huyền diệu khác biệt. Nhưng có một điều bất kỳ ai đã từng đến nơi đây điều phải công nhận chính là Hòn Bà Nha Trang với cung đường có những khúc cua “cùi chỏ”, cảnh vật thiên nhiên đa dạng, huyền bí và thời tiết lạnh thấm vào trong da thịt, quả là một điểm đến hoang sơ ở Khánh Hòa nhất định phải đi một lần trong đời!
Traveloka