Đình Long Thanh - Nét đẹp trang nghiêm của kiến trúc trăm tuổi
Nói đến những công trình kiến trúc cổ tại Vĩnh Long, ta không thể không nhắc tới đình Long Thanh, ngôi đình trăm tuổi ngự trị tại vùng đất này. Cùng chúng tôi khám phá nhé!
Đình Long Thanh, hiệu là Long Thanh Miếu Vũ (chữ Hán: 龍清廟宇), hiện tọa lạc bên bờ sông Long Hồ, thuộc khóm 4, phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long (Việt Nam); cách trung tâm thành phố Vĩnh Long khoảng 3 km. Ngôi đình này đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 25 tháng 3 năm 1991.
Lịch sử đình Long Thanh
Theo những gì mà chúng tôi tìm hiểu được, đình Long Thanh có mặt vào khoảng năm 1754. Thời điểm này nhiều người dân ở các nơi di cư đến khai phá, lập thôn rồi dựng đình Long Thanh để thờ Thần hoàng làng (là vị thần linh cai quản toàn bộ thôn xã, là thần hộ mệnh, phù hộ và che chở cũng như ban phúc cho dân làng). Ngôi đình ban đầu được xây cất đơn sơ bằng cây lá tại vàm Bùng Binh, thuộc ấp Hưng Long.
Đến năm 1844, nhận thấy vị trí ngôi đình không được thuận lợi, một người hảo tâm trong làng là ông Nguyễn Văn Khiêm đã cúng mảnh đất khoảng 2 hecta nằm bên bờ sông Long Hồ để dời ngôi đình về đây. Đình Long Thanh lúc này được xây cất bằng cây gỗ, gạch ngói đơn sơ, có vẻ vững chãi hơn so với ban đầu. Vào năm Tự Đức (1852), đình Long Thanh được triều đình Huế cấp sắc là “Bổn cảnh Thành Hoàng chi Thần” (ý chỉ một chức vụ, vị quan khuất mặt) kèm theo mỹ tự là Quảng hậu, Chánh trực, Hữu thiện, Đông ngưng chi Thần. Năm 1913, nhờ sự đóng góp của người dân trong thôn và bà Nguyễn Thị Mai, đình Long Thanh được xây dựng mới bằng gạch ngói, trụ cột kiên cố, trang hoàng đẹp đẽ và đổi hiệu thành Long Thanh Miếu Vũ. Khuôn viên đình có nhiều cây cảnh xanh mướt quanh năm, khí hậu đặc biệt trong lành và mát mẻ, thích hợp để du khách dừng chân nghỉ ngơi sau khi tham quan.
Kiến trúc đình Long Thanh
Đình Long Thanh được xây dựng theo kiểu kiến trúc đặc trưng của các ngôi đình ở miền Tây Nam Bộ. Ngôi đình này có kết cấu năm căn nóc hình chóp nhọn, thiết kế theo kiểu hai mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhà, hay nói đơn giản là kiểu trùng thiềm điệp ốc. Phía trước đình Long Thanh là võ quy và võ ca, phía sau là nhà khách, ở giữa là chính tẩm, phía trái là nhà bếp. Chính tẩm của ngôi đình được xây dựng theo kiểu tứ trụ, có tám kèo đấm và tám kèo quyết. Thành hoàng bổn cảnh là vị thần được thờ chính trong đình Long Thanh. Bên cạnh đó, đình còn thờ Quốc Tổ Hùng Vương, Tả Hữu Ban liệt vị, thần Bạch Mã Thái Giám, các vị tiền hiền, hậu hiền - là những người có công lập nên làng xã. Trước sân đình có đàn thờ Thần Nông cùng hai miếu thờ thần Bạch Hổ và Ngũ Hành Nương Nương. Nội điện đình Long Thanh được trang hoàng với nhiều bao lam, hoành phi, câu đối, long trụ… với nhiều nét chạm tinh tế, sơn son thếp vàng rực rỡ.
Những lễ hội hằng năm
Với những giá trị về mặt tâm linh, kiến trúc, văn hóa và lịch sử, đình Long Thanh được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 25 tháng 3 năm 1991. Hàng năm, đình Long Thanh có hai ngày lễ lớn: lễ Hạ Điền vào ngày 14 và 15 tháng 3 âm lịch, lễ Thượng Điền vào ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Vào dịp lễ hội, đình Long Thanh đón hàng ngàn lượt du khách từ trong và ngoài nước đến vãn cảnh, chiêm bái và tham dự. Ngoài ra, đình Long Thanh còn lưu giữ các nghi lễ truyền thống như lễ tế Túc Yết, tế Tiền Hiền, Hậu Hiền, Xây Chầu, Đại Bội, Hồi Chầu…
Vietfuntravel
7 nhà hàng vừa ngon vừa đẹp khó cưỡng tại Đà Lạt
Đã đến Đà Lạt, bỏ lỡ ẩm thực và hương vị trong...
Tây An tự - Độc đáo kiến trúc Ấn Độ giữa lòng An...
Từ Châu Đốc vào ngã ba núi Sam thuộc xã Vĩnh Tê,...
Lăng Thoại Ngọc Hầu - Khám phá di tích thời...
Người đến Châu Đốc thường mải mê với một trời non...
Đá Ba Chồng - Vẻ đẹp chênh vênh đặc biệt nhất...
Hành trình trên Quốc lộ 20, chắc chắn bạn sẽ bắt...
Đức Mẹ Long Hương - Nơi nguyện cầu trên đỉnh núi...
Leo 400 bậc thang đá lên đỉnh, du khách sẽ bắt...