Đá Voi Yang-tao - Biểu tượng thần tình yêu linh thiêng
Đá Voi Yang-tao gồm một cặp hòn đá Voi Cha và hòn đá Voi Mẹ, nổi tiếng với truyền thuyết là “hòn đá biết đi”. Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km theo đường quốc lộ 27, thuộc địa phận xã Yang-tao, huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk.
Cặp đá voi này là hai hòn đá nguyên khối có kích thước lớn, hình thù giống con voi đang nằm nên được người dân quanh vùng gọi là đá Voi Cha và đá Voi Mẹ. Chúng được gắn liền với những truyền thuyết ly kì, được coi như biểu tượng thần tình yêu trong quan niệm của người đồng bào thiểu số nơi đây.
Đá Voi Mẹ có tọa độ địa lý là 12°28'53 vĩ độ Bắc và 108°13'59 kinh độ Đông. Đá voi cha có tọa độ địa lý là 12°25'53 vĩ độ Bắc và 108°12'55 kinh độ Đông.
Đặc điểm hòn đá
Đá Voi Yang-tao thuộc loại đá granit. Kích thước rất lớn: theo ước lượng thì đá voi mẹ có chiều dài khoảng 200 m, chu vi dưới chân đá khoảng 500 m và cao khoảng hơn 30 m. Đá Voi Cha có kích thước nhỏ hơn: chiều dài khoảng 70 m và chu vi khoảng 180 m.
Đá Voi Mẹ nằm sát chân núi, là một dãy núi thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sin. Còn đá Voi Cha cách đó khoảng 5 km về hướng Nam, nằm giữa một cánh đồng.
Truyền thuyết về sự dịch chuyển của hai hòn đá
Theo người dân trong vùng thì không ai biết chính xác Đá Voi có từ bao giờ. họ chỉ được nghe tổ tiên từ đời trước truyền lại rằng hai hòn đá này bỗng dưng không còn ở vị trí mà người ta đã từng nhìn thấy trước đây và cho đến bây giờ vẫn chưa có lời giải thích cho sự dịch chuyển kì lạ đó. Theo như lời kể thì đá Voi Mẹ sau nhiều lần dịch chuyển đã tiến về sát chân núi. Còn đá Voi Cha ban đầu ở phía Bắc, hướng mặt ra hồ Lăk nhưng chỉ sau một đêm, người ta đã nhìn thấy nó nằm giữa một cánh đồng lúa mênh mông, cạnh đó vẫn còn hai mương nước dài được cho là đường đi của hòn đá. Người ta tin rằng hai hòn đá này dịch chuyển để tiến lại gần nhau.
Thần Đá Voi bắt vợ
Người dân trong vùng còn tin rằng hòn đá voi có khả năng chuyển mình từ thể lỏng sang thể rắn. Chuyện kể lại rằng thời xa xưa, lúc mới đầu đá rất mềm, như một bãi bùn được đùn lên từ mặt đất. Mọi người tò mò kéo đến, leo lên thân mình đá chạy nhảy chơi đùa. Sau đó, vào một ngày bỗng dưng đá cứng lại và trong lần chuyển mình từ thể lỏng sang thể rắn đó hòn Đá Voi Cha đã cuốn theo một cô gái trẻ đẹp. Cô gái ấy là con gái một nhà phú ông thuộc hàng giàu có trong vùng, vào một ngày hai chị em cô cùng nhau leo lên hòn đá chơi đùa thì đúng lúc hòn đá cứng lại. Hai chân cô chị bị lún sâu vào đá, càng kéo càng bị lún chìm vào, dân làng đã huy động nhiều sức lực đến kéo cô ra nhưng cuối cùng sau 7 ngày đêm thì cô gái 17 tuổi xinh đẹp của làng đã bị nuốt gọn vào đá không để lại dấu vết. Đêm hôm đó người nhà cô đồng loạt chiêm bao thấy cô hiện về báo rằng cô đang sống hạnh phúc cùng với thần đá Yang-tao, bảo rằng thần đá sẽ phù hộ cho mọi người và mọi người đừng buồn. Từ đó câu chuyện thần Đá Voi bắt vợ cứ mãi huyền ảo gắn với hòn đá Voi Cha và người dân trong vùng từ bao đời nay và người dân tin rằng đá Voi Cha chính là một vị thần bảo vệ cho cuộc sống ấm no, yên lành của dân làng. Cho đến ngày nay trên mình hòn đá vẫn còn nhiều dấu tích được cho là dấu chân của con người và con vật từ xưa để lại.
Đá Voi với đời sống người dân
Dân cư sinh sống trong vùng Yang-tao chủ yếu là người M’nông, cuộc sống vốn yên bình với một năm hai mùa lúa. Người đồng bào nơi đây coi Đá Voi rất thiêng liêng, như một vị thần che chở bảo vệ cho cuộc sống yên bình của họ. Vì vậy mà đối với Đá Voi họ luôn luôn trân trọng, nâng niu, không bao giờ dám xâm phạm. Đá Voi còn được coi như một vị thần tình yêu, những đôi trai gái yêu nhau thường hẹn hò trên lưng đá và cùng trao lời thề nguyền với nhau và nguyện cầu Đá Voi che chở cho tình yêu của họ. Những người chưa có người yêu cũng thường tìm đến Đá Voi, kể lể với đá những câu chuyện tình yêu của mình, và tin rằng đá sẽ thấu hiểu và mang người mình yêu đến bên mình.
Theo ông Y Khương H’Long, Phó chủ tịch UBND xã Yang Tao: Đá Voi là linh hồn của người đồng bào M’nông, họ tín ngưỡng đá như một vị thần che chở cho sự sống của buôn làng. Đá Voi chính là dấu ấn bản sắc văn hóa buôn làng. Hai tảng đá này gắn bó với cuộc sống người dân qua những truyền thuyết nối liền từ đời này sang đời khác. Trước đây, người dân từng lập miếu thờ dưới chân tảng đá được cho là Đá Voi Cha, nhưng chính quyền vận động bà con tháo dỡ để tránh mê tín dị đoan. Từ đó, việc thờ cúng ở đây không còn nữa, nhưng người dân vẫn luôn tin vào sự linh thiêng của những tảng đá này
Cách để đi đến Đá Voi
Thể lực tốt và lộ trình di chuyển thích hợp sẽ không thừa để có một chuyến đi an toàn nhé. Di chuyển đến Buôn Ma Thuột bằng xe cá nhân thì quốc lộ 14 là lộ trình phù hợp cho bạn nhất.
Nếu bạn muốn chuyến đi thêm phần thử thách và thật nhiều trải nghiệm có thể lựa chọn cung đường QL14C. Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới Việt Nam và Cam-Pu-Chia sau đó sáp nhập vào quốc lộ 14. Tuyến đường này được làm mới cách đây không lâu nên mặt đường tốt. Đường khá vắng chủ yếu là đồi núi. Nếu bạn là người thích khám phá thì đoạn đường này sẽ rất thú vị, đầy tính trải nghiệm.
Khi bạn đã vào QL14C sẽ không có bất kì trạm xăng hay địa điểm sửa xe. Do đó, nên chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi vào cung đường này. Từ Tp.Buôn Ma Thuột chạy dọc theo tuyến quốc lộ 27 tìm đến Đá Voi. Cảnh sắc 2 bên đường vòng vèo, uốn lượn. Bạn sẽ không khỏi mê mẩn bởi những rừng trúc xanh mướt, ngọn vút cong đong đưa theo gió. Hai bên đường những đàn bò đủng đỉnh di chuyển tô vẽ nên bức tranh sinh động của núi rừng Tây Nguyên.
Nếu bạn chọn di chuyển vào mùa mưa, đoạn đường này khá nguy hiểm do các khúc cua khuất tầm nhìn. Đường cong uốn lượn do đó nên cẩn thận khi đổ dốc và ôm cua.
Khi qua cột mốc 36 km Đà Lạt, chạy thêm một đoạn khoảng 1 km nữa. Bên tay trái sẽ nhìn thấy lấp ló một tảng đá nằm nhô cao giữa các hàng cây. Nếu bạn vẫn không xác định được vị trí có thể hỏi người dân địa phương thân thiện để biết chính xác vị trí nhé.
Trong 2 tảng Đá Voi. Đá Voi Mẹ có thể là khó tìm kiếm và khó xác định nhất. Do nằm khuất sau nhà người dân địa phương và màu sắc trùng lặp với đồi núi xung quanh.
Để có thể khám phá Đá Voi bạn phải để xe lại bên ngoài vì lối đi xe máy không vào được. Dĩ nhiên an toàn nhất là gửi xe vào những nhà người dân địa phương. Bạn cứ mạnh dạn và lễ phép xin được gửi nhờ xe để vào tham quan Đá Voi người dân sẽ vui vẻ đồng ý.
Vượt qua đoạn đường đất khoản 200 m Đá Voi sẽ hiện ra trước mắt. Đồ sộ, kì vĩ là những từ ngữ bạn sẽ phải thốt lên khi tận mắt nhìn thấy Đá Voi to như một quả núi sừng sững trước mặt bạn. Chinh phục Đá Voi không khó. Từ mặt đất mất khoản 10-15 phút để lên đến đỉnh cao nhất của tảng đá. Chinh phục Đá Voi bằng cách leo lên những sườn dốc thoai thoải.
Lưu ý vấn đề thời tiết
Bạn phải thật cẩn thận vì vách đá có rêu nên khá trơn trợt. Lên càng gần đỉnh thì độ dốc càng lớn và gió thổi càng mạnh đòi hỏi sự cẩn thận của bạn càng cao.
Nếu bạn đến Đá Voi vào những này có mưa muốn chinh phục Đá Voi là điều không dễ dàng. Vách đá ướt, trơn cộng với độ dốc và gió thổi mạnh sẽ là những khó khăn vô cùng to lớn. Còn đến với Đá Voi những ngày nắng gắt thì nhiệt độ của đá tỏa ra sẽ khiến bạn vô cùng khó chịu.
Phúc Nguyễn (BongTrip.vn tổng hợp)
Thác Gia Long - Vẻ đẹp kì vĩ xuôi dòng sông...
Là một trong những thác nước đẹp trên dòng...
TOP 25 những địa điểm du lịch gần Sài Gòn thoải...
Cuối tuần này bạn đã có dự định đâu chơi quanh...
Chợ Tịnh Biên - Thưởng thức đặc sản "độc lạ" nơi...
Là nơi giáp ranh Campuchia, chợ Tịnh Biên là khu...
8 Tuyệt Tình Cốc đẹp nhất An Giang phải đi ngay...
Vùng Bảy Núi An Giang từ lâu luôn được mệnh danh...
Ilya De Dalat - Bữa sáng thơ mộng tại cà phê nhà...
Thế là Đà Lạt lại gây choáng váng cho dân tình...