Ao Bà Om - Nơi truyền thuyết lưu lại giữa hàng cổ thụ ngàn năm
Ao Bà Om là một danh thắng bậc nhất của tỉnh Trà Vinh được nhiều người biết đến. Ở đó du khách không đơn thuần chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên mà còn được cảm nhận rõ nét hơn những giá trị văn hoá đặc sắc của vùng đất Trà Vinh qua câu chuyện truyền thuyết mang đậm màu sắc Khmer Nam Bộ.
Vị trí của Ao Bà Om
Ao Bà Om, hay Ao Vuông, là một thắng cảnh độc đáo và nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh, Việt Nam, thuộc khóm 3, phường 8 thành phố Trà Vinh (trước đây là ấp Tà Cụ, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành), cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 7 km dọc theo quốc lộ 53 về phía Tây Nam. Ao có hình chữ nhật, rộng 300 m, dài 500 m (vì gần với hình vuông nên còn được gọi là Ao Vuông). Mặt nước ao trong xanh và phẳng lặng được phủ bởi hoa sen, hoa súng. Ao được bao bọc xung quanh bởi các gò cát mấp mô với các hàng cây sao, cây dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi có rễ nổi lên khỏi mặt đất tạo nên những hình thù kì lạ.
Truyền thuyết kì bí
Trong nhiều truyện dân gian về ao Bà Om có chuyện kể rằng, ngày trước, vùng đất Trà Vinh hằng năm cứ đến mùa hạn thì nước ngọt khan hiếm, ruộng rẫy khô cằn, cây cỏ chết héo, người dân trong vùng vì hạn hán rơi vào cảnh lầm than. Để cứu dân khỏi cảnh khốn cùng, một ông hoàng trấn nhậm trong vùng đã quy tụ bà con đào ao tìm nguồn nước.
Tình cờ, trong vùng lúc đó cũng xảy ra một vụ tranh cãi khó phân xử là đàn ông và đàn bà, ai phải đi cưới ai và ai phải chịu mọi phí tổn trong lễ cưới? Ông hoàng nhân dịp này chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao. Ao bên nào đào sâu hơn, lớn hơn và xong trước thì thắng, bên thua sẽ phải đi cưới.
Cuộc thi diễn ra khi trời vừa tắt nắng và kết thúc khi sao Mai mọc. Bên nam đào ao tròn ở phía Tây, bên nữ đào ao vuông ở phía Đông. Bên nữ do bà Om chỉ huy, thấy không thể kình được sức đàn ông nên đã dùng kế vừa đào vừa ca múa để dụ cánh nam giới bỏ việc mà chạy sang rình xem. Ngoài ra, bà Om còn cho chặt một cây tre thật dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Đông, bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên rủ nhau về nghỉ, trong khi bên nữ đào đến sáng. Lúc bên Nam biết mình bị lừa thì đã muộn, chấp nhận thua cuộc. Nhớ ơn người phụ nữ mưu trí, người ta lấy tên bà đặt tên ao, gọi là ao Bà Om.
Cũng có câu chuyện khác kể rằng, thời xa xưa đất này có vị hoàng tử tên là Pa-tu-ma-vông, tính cách độc đoán, thường bắt dân chúng phải dâng gái đẹp cho ông ta, ai bất tuân sẽ bị trừng trị nặng. Duy có một cô gái xinh đẹp tỏ thái độ phản đối với vị hoàng tử. Bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cô gái, vị hoàng tử để lấy lòng người đẹp đã mở một cuộc thi đào ao, bên đào xong trước sẽ thắng cuộc, bên thua cuộc phải mang lễ vật đi cưới bên kia. Cuộc thi này có diễn biến tương tự câu chuyện kể ở trên, bên nữ chân yếu tay mềm nhưng nhờ thông minh mưu trí đã giành phần thắng.
Lại có dị bản rằng, xưa kia ông Lũy và bà Om ở với nhau có một đứa con, tuy yêu thương nhau nhưng hai người ai cũng muốn giành phần đặt tên con theo họ mình. Để được quyền đặt tên con, hai người thi tài, ông đắp lũy bà đào ao, và cuối cùng bà Om thắng, được đặt tên con gái theo họ mẹ. Câu chuyện được nhiều người tin là có thật khi lý giải rằng, cách ao Bà Om ngày nay khoảng 5km về phía Tây có bờ lũy mà bây giờ vốn là một con đường nông thôn. Câu chuyện cũng phù hợp với tục lệ đặt tên con của người Khmer xa xưa, mãi đến thời Pháp cai trị, người Khmer mới chuyển sang lấy họ cha.
Tuy có nhiều tình tiết khác nhau nhưng hầu hết các truyện xoay quanh ba chủ đề chính: giải thích tên gọi ao Bà Om, lý giải việc người nam đi cưới người nữ và tại sao người Khmer có tục lệ theo họ mẹ. Tuy chuyện kể có yếu tố siêu nhiên, huyền thoại nhưng in đậm dấu ấn văn hóa của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Một phần nội dung quan trọng có tính hiện thực lịch sử là những gian khổ mà cha ông ta phải đối mặt thuở ban đầu đi khai phá đất phương Nam đã được một số tác phẩm ghi nhận.
Nơi sinh hoạt bình yên
Ngày nay ao Bà Om thường được các học sinh sinh viên chọn làm nơi cắm trại vào những dịp lễ hay lúc nghỉ hè. Đây cũng là nơi hẹn hò của nhưng đôi nam nữ cũng như là nơi các cặp vợ chồng mới cưới đưa nhau ra chụp hình quay phim lưu niệm.
Gần ao có chùa Âng (Chùa Angkorajaborey) là ngôi chùa Khmer cổ nhất Việt Nam theo truyền thuyết được xây dựng vào năm 990 tức cuối thế kỷ 10, độc đáo và hài hoà với cảnh sắc thiên nhiên.
Năm 1994, quần thể chùa Âng và ao Bà Om đã được Bộ Văn hóa - Du lịch công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.
Nên đến đây vào mùa nào?
Ao Bà Om là một ao nước trong phẳng lặng, nếu đến đúng mùa thì ao còn được tô điểm bởi những bông sen hồng, bông súng đỏ lãng mạn. Khí hậu tại Ao Bà Om mát mẻ quanh năm nên được người dân Trà Vinh đặt tên là Đà Lạt thứ hai. Bao bọc quanh ao là những cây sao, dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi phủ tán rợp cả vùng, tạo nên cảnh quan vừa thanh nhã, vừa mát lành. Những cây sao, cây dầu này có bộ rễ khổng lồ nổi trên mặt đất, tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Có bộ rễ lớn đến nỗi có thể tạo thành cái hang độc nhất vô nhị, trẻ con có thể chui vào vui chơi. Lại có bộ rễ cây trở thành ghế ngồi nghỉ chân của khách.
Sau những ngày làm việc mệt nhọc hay giữa bộn bề phố thị, khách du lịch sẽ được trải nghiệm cảm giác thanh bình, yên ã khi đến tham quan thắng cảnh Ao Bà Om để ngắm nhìn hàng trăm cây cổ thụ tỏa bóng mát bên hồ nước rộng lớn. Trong đó có những cây cổ thụ rễ trồi lên khỏi mặt đất tạo nên bức tranh đặc biệt mà tạo hóa đã ban tặng cho thắng cảnh này.
Phúc Nguyễn (BongTrip tổng hợp)
Kê Gà - Ngọn hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam
Sát bờ biển cạnh ngọn hải đăng Kê Gà là những bãi...
White Villa - Căn hộ villa view biển tuyệt đẹp...
Nếu thông thường, mọi người sẽ chọn đi Vũng Tàu...
Hồ Cốc - Thiên đường hoang sơ tỉnh Bà Rịa
Du khách tìm đến nơi đây không chỉ để tắm biển,...
Khu du lịch đồi Tức Dụp - Điểm vừa chơi vừa học...
Hòa mình vào thiên nhiên xanh mát, hoài niệm về...
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam - Ngôi miếu linh thiêng ở...
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam luôn là điểm đến thu hút...